Mở đường lên đỉnh Pyâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không biết từ bao giờ, người ta đã ví đèo Mang Yang là “cổng trời” của vùng đất Tây Nguyên. Trong đó, đỉnh núi Pyâu là “cổng” cao nhất của vùng đất Mang Yang.

Nhọc nhằn cuộc sống nơi “cổng trời”
Làng Pyâu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) nằm ở một thung lũng nhỏ không mấy bằng phẳng trên ngọn núi cao nhất của huyện Mang Yang. Làng Pyâu có 67 hộ dân, với 388 nhân khẩu.

Muốn đến “cổng trời” Pyâu phải luồn lách trong những cánh rừng nguyên sinh, nối tiếp nhau với những vách núi dựng đứng kéo dài đến tận “chân mây”. Thỉnh thoảng, con đường lại men theo những vực thẳm sâu như một cái “giếng trời”. Vắt rừng ngửi thấy được hơi người nên đã tha hồ giăng bẫy. Anh Nguyễn Trung Kiên- nhân viên y tế huyện nhớ lại: “Mỗi lần đi Pyâu về thì quần áo dính đầy những vết máu. Ở ngọn núi này, vắt rừng nhiều vô kể. Chúng bám vào người lúc nào cũng chả ai hay biết. Đến khi phát hiện có cảm giác ngưa ngứa thì chúng đã no tròn như một con “đỉa trâu”. Có khi về đến nhà, nhìn thấy những vết máu khô trên quần áo thì mới biết mình bị vắt cắn. Những vết cắn của loài vắt rừng rất khó cầm máu, có khi còn bị nổi ghẻ”. Đó là chưa kể đến những khó khăn khi phải ì ạch nhích từng bước một qua những vách núi dựng đứng, những tảng đá khổng lồ.

Đường lên làng Pyâu. Ảnh: A.D
Từ năm 2007 về trước, Pyâu biệt lập hoàn toàn với bên ngoài. Cả làng không có trường mẫu giáo, chỉ có vỏn vẹn một phân hiệu trường tiểu học duy nhất do các thầy giáo sống ở dưới núi lên “cắm làng”. Làng Pyâu không có trạm y tế. Thỉnh thoảng mới có đoàn y tế dưới núi lên khám bệnh và cấp thuốc theo định kỳ. Tất cả nhu cầu khám, chữa bệnh hàng ngày của người dân đều trông chờ vào mỗi một nhân viên y tế. Với điều kiện ở một ngôi làng biệt lập này thì nhân viên y tế làng chỉ chăm sóc được những “bệnh trái gió trở trời”, những bệnh nặng thì đành “bó tay”. Vì thế, mỗi khi trong làng có người bị bệnh nặng thì phải huy động cả hàng chục thanh niên khỏe mạnh để vận chuyển người bệnh xuống núi cấp cứu. Mỗi lần xuống núi là mỗi lần vất vả. Do đó, hàng hóa, nông sản của người dân làm ra không thể mang đi tiêu thụ ở các nơi khác được. Họ chỉ dùng để phục vụ cho đời sống hàng ngày của chính gia đình mình.

Mùa đông ở Pyâu, gió lộng, trời lạnh, người như muốn hóa đá. Mùa mưa, mây lúc nào cũng bay là là ngang tầm mắt. Cả ngôi làng như được gom lại dưới một vòm trời thu nhỏ. Khó khăn về đời sống, khắc nghiệt về thời tiết ở cái làng này thì có muôn vàn. Thế nhưng, khi tỉnh có chủ trương vận động người dân “xuống núi” thì dân làng lại ngại. “Định cư ở dưới núi thì rất tốt cho đời sống của dân làng. Thế nhưng, dân làng lại lo là không có nhiều đất để sản xuất. Ở trên này, tuy là khó khăn nhưng có nhiều đất để trồng trọt”- ông Văch- Trưởng thôn làng Pyâu tiết lộ.

Đường đến “ốc đảo”
Đầu năm 2008, ông Văch đưa ra ý tưởng mở đường giao thông ra ngoài. Được dân làng đồng tình ủng hộ, ông trưởng thôn ngay lập tức “xuống núi” báo cáo với chính quyền địa phương rằng: “Làng Pyâu sẽ tự đi tìm một con đường cho xe máy đi lại”. Sau khi nghe ông Văch trình bày tóm tắt kế hoạch qua “một văn bản miệng”, lãnh đạo địa phương “bật đèn xanh”. Ông Văch quay ngược về núi để họp làng bàn tính. Sau khi mọi việc được chuẩn bị đâu vào đó, đầu tháng 2-2008, “dự án” mở một con đường xe máy vắt lên trên đỉnh Trường Sơn của người dân làng Pyâu được bắt tay vào khảo sát. Theo kế hoạch ban đầu, ông trưởng thôn chọn ra một nhóm người làm công tác khảo sát. Những người làm công tác này phải là người có sức khỏe, am hiểu địa hình rừng núi, nhất là nơi con đường có thể đi qua. Sau ba chuyến lên rừng, vượt núi để nhắm hướng, đánh dấu, định vị, cắm mốc... không cần đến một chuyên gia hay thiết bị hỗ trợ, nhóm khảo sát cũng đã tìm được hướng đi cho một con đường đúng như “dự án”.  “Lần thứ nhất, mọi người nhắm hướng và đánh dấu lên cây rừng những nơi xe máy có thể đi được. Lần thứ hai, vừa tìm những hướng đi dễ hơn vừa cắm cọc. Lần thứ ba, xem xét, chỉnh sửa lại lần cuối và tiến hành phát hoang”- ông trưởng thôn khảng khái bộc bạch với tôi.

Công đoạn khảo sát đã được hoàn tất. Một con đường xe máy dựng đứng lên đỉnh Pyâu đã được định hình. Ông thôn trưởng lại tiếp tục họp làng để triển khai những bước tiếp theo. Tất cả người dân làng Pyâu biết cầm cuốc đều phải tham gia làm đường. Nhà nào nhiều lao động thì đi nhiều, nhà nào ít thì đi ít. Ăn uống mỗi gia đình tự lo. Ngày mùa lên rẫy lao động sản xuất. Xong ngày mùa thì đi khai thông đường. Sau hơn 4 tháng, hết lên nương, lên rẫy rồi lại đi khai thông đường, con đường xe máy đến “cổng trời” Pyâu đã được mở. Theo tính nhẩm của ông Văch, con đường này đã được thực hiện trong vòng 80 ngày với tổng cộng 12.000 công lao động, chưa tính công khảo sát. Khai thông con đường bằng sức người với những dụng cụ như cuốc, thuổng, rìu, rựa… Sau khi con đường được hoàn thành, đời sống của người dân trên “cổng trời” Pyâu đã được thay đổi. Mặc dù đường xuống núi vẫn còn nhiều vất vả, song nó cũng đã phá vỡ được thế bế tắc về giao thông, xóa thế “ốc đảo” cho Pyâu.
Ánh Dương

Có thể bạn quan tâm