Mô hình lúa nước ở Đồn Biên phòng Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhìn cánh đồng lúa chín trải dài một màu vàng rực rỡ, nữ già làng Ksor H’Blâm-làng Krông (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) tin tưởng rằng, mô hình lúa nước hai vụ của Đồn Biên phòng Ia Mơr sẽ mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân trong xã. Và không xa nữa, Ia Mơr cũng được nhắc đến với những cánh đồng lúa nước trải rộng.

Xã Ia Mơr hiện có khoảng 500 ha đất trồng lúa nhưng bà con vẫn quen với kiểu canh tác nhỏ lẻ, một năm một vụ và chỉ dựa vào nguồn nước thiên nhiên nên sản lượng cũng như chất lượng lúa còn thấp. Với mong muốn thay đổi cách nghĩ, cách làm vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr quyết định xây dựng mô hình điểm về trồng lúa nước ngắn ngày trên chính đồng đất đã bỏ hoang lâu năm để bà con học tập, làm theo. Nói thì dễ, song khi bắt tay vào thực hiện, cán bộ, chiến sĩ cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại.
 

Ảnh: Anh Huy

Áp lực lớn khiến cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải rất cẩn trọng trong từng khâu, từ làm đất, chọn giống, chọn thời điểm gieo trồng, bón phân, tháo-xả nước… Vốn bà con không có nhiều kiến thức về trồng trọt nên đơn vị phải cắt cử cán bộ, chiến sĩ túc trực thường xuyên bên đồng ruộng, tập trung nghiên cứu các tài liệu liên quan, áp dụng khoa học kỹ thuật trong từng khâu và chọn giống lúa nào cho phù hợp với địa phương… Trung tá Trương Minh Thao-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Mơr, cho biết: Đơn vị đã huy động hàng trăm ngày công để cải tạo hơn 6.000 m2 đất vốn đã bỏ hoang lâu năm. Tiếp đến là chọn giống lúa ít sâu bệnh, dễ thích nghi với thổ nhưỡng, thời gian sinh trưởng ngắn, cho chất lượng gạo thơm ngon…

Vì đây là mô hình điểm nên trong quá trình triển khai, đơn vị còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật canh tác, cách phòng trừ sâu bệnh… để bà con hiểu. Đồng thời, Đồn cũng tích cực vận động, tuyên truyền bà con từ bỏ thói quen trồng lúa nương rẫy, phụ thuộc vào thời tiết mà cần có sự đầu tư, chăm sóc và áp dụng khoa học kỹ thuật đúng cách; chuyển đổi từ trồng lúa một vụ, lúa nương rẫy sang trồng lúa nước hai vụ… Qua 3 tháng triển khai, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và chăm sóc tốt nên diện tích lúa của Đồn phát triển tốt, cho năng suất trên 6 tạ/sào. Không chỉ cán bộ, chiến sĩ phấn khởi vì thành công của mô hình mà chính quyền địa phương lẫn người dân cũng vui mừng không kém.

Có mặt tại ruộng lúa từ rất sớm để xem cán bộ, chiến sĩ thu hoạch lúa, ông Rơ Mah Thuần (làng Klăh), vui vẻ cho hay: Người dân làng Klăh trước nay cũng gắn bó với cây lúa nhưng do chưa biết cách chăm sóc nên năng suất không cao, mỗi ha chỉ đạt từ 10 đến 20 bao. Sắp tới, mình và bà con trong làng sẽ học hỏi theo mô hình lúa ngắn ngày của Đồn Biên phòng để áp dụng vào trồng trọt, cho năng suất cao, cải thiện cuộc sống.

Dõi mắt theo những đôi tay thoăn thoắt của cán bộ, chiến sĩ đang ngả từng vạt lúa chín, Trung tá Trương Minh Thao, phấn khởi: Đồn sẽ tặng số lúa thu hoạch được cho các gia đình chính sách và đổi giống lúa cho bà con trên địa bàn xã để đưa vào trồng thử nghiệm.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm