Thời sự - Bình luận

Món quà tri ân đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tên gọi "Người Thầy kính yêu" của cuộc thi gợi nhiều cảm xúc, suy nghĩ.

Hòa chung không khí kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024), Báo Người Lao Động đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần thứ 3 và tôn vinh nhà giáo.

Tên gọi "Người Thầy kính yêu" của cuộc thi gợi nhiều cảm xúc, suy nghĩ. "Kính" gợi nghĩ về thái độ tôn kính, sự ngưỡng mộ của trò đối với thầy, cũng là sự tôn trọng của thầy dành cho trò. "Yêu" là sự yêu thương, gắn bó, là tình cảm thiêng liêng, sâu nặng trong mối quan hệ thầy - trò. Tên gọi cuộc thi giản dị, gần gũi nhưng rất sâu sắc, vừa có hình ảnh người thầy vừa gợi nghĩ về mối quan hệ thầy - trò cao đẹp với hai giá trị vững bền là "kính" và "yêu".

Vì thế, cuộc thi viết do Báo Người Lao Động tổ chức đã đánh động trái tim, khơi lên cảm xúc của bao thế hệ học trò về người thầy. Thông qua các bài viết, tình cảm của những học trò cụ thể đối với những người thầy cụ thể đã trở thành tình cảm chung cho rất nhiều học trò và rất nhiều người thầy, từ đó hòa vào dòng chảy của truyền thống "tôn sư trọng đạo", "uống nước nhớ nguồn", "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" của dân tộc ta.

Thời đại công nghệ thông tin, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển đã đặt người thầy trước những thách thức không nhỏ trong sứ mệnh trồng người. Thách thức đó đòi hỏi người thầy phải không ngừng tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội, của phụ huynh và học sinh. Chân dung người thầy trong kỷ nguyên số vừa năng động, hiện đại nhưng vẫn giữ trong mình trái tim yêu thương, lòng bao dung với học trò.

Đó là hình ảnh nhà giáo Nguyễn Thị Kim Dung, nữ cảm tử quân trong trận tập kích Majestic lẫy lừng năm 1948, đã nỗ lực học tập, trở thành giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM. Đó là cô Nguyễn Thị Sa Ri (Long An) - "kình ngư" khuyết tật nhưng miệt mài gieo chữ miễn phí, trở thành cô giáo đặc biệt với biết bao thế hệ học sinh, lại là vận động viên bơi lội giỏi mang về nhiều thành tích cho tỉnh nhà và quốc gia, được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Đó là nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - người nhận nuôi 22 học sinh sống sót sau vụ lũ quét ở Làng Nủ (Lào Cai) đến khi các em 18 tuổi… Những hình ảnh đẹp ấy đã được Báo Người Lao Động lan tỏa.

Qua cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu", hình ảnh thầy cô giáo hiện lên thật đẹp. Họ là "điểm tựa", là người "truyền cảm hứng", "gieo ước mơ, thắp lửa", là "nguồn sáng"… như trong các bài viết dự thi: "Điểm tựa tiến về phía trước", "Người truyền cảm hứng, yêu thương nơi đại ngàn", "Miệt mài gieo yêu thương", "Cô giáo truyền lửa hát Then", "Người thầy thắp sáng ước mơ", "Cô giáo chủ nhiệm - người gieo thương mến", "Người gieo ước mơ thay đổi cuộc đời", "Nguồn sáng dẫn lối đường đời"…

Cuộc thi mang đầy ý nghĩa, xúc động để lan tỏa những hình ảnh đẹp về người thầy đến độc giả khắp cả nước, như một món quà tri ân đặc biệt, ấm áp đến đội ngũ giáo viên trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Chúng tôi tin và mong rằng các nhà giáo sẽ luôn hạnh phúc, yên tâm với nghề, với sự nghiệp đưa đò thầm lặng mà cao quý.

Theo ThS NGUYỄN BẢO QUỐC - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm