Thời sự - Bình luận

Mong giọt nước đừng… tràn ly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chế độ, thu nhập thấp; phụ cấp chưa bảo đảm; sự quan tâm chưa xứng đáng trước sự cống hiến, hy sinh - "giọt nước như đang tràn ly" khiến các “thiên thần áo trắng” dứt áo ra đi trước nguy cơ dịch chồng dịch đang rất hiện hữu.

 

Lực lượng y tế luôn nỗ lực, hy sinh quyền lợi bản thân vì sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Lê Phi Long
Lực lượng y tế luôn nỗ lực, hy sinh quyền lợi bản thân vì sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Lê Phi Long


Sở Y tế tỉnh Quảng Bình vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở Nội vụ và Bộ Y tế đề xuất một số vấn đề cụ thể nhằm hạn chế tình trạng hàng loạt viên chức y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác ngoại tỉnh thời gian vừa qua.

Theo đó, từ đầu năm đến nay đã có 25 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, bỏ việc; trong năm 2021, có 6 bác sĩ và 1 y sĩ xin nghỉ việc, bỏ việc tìm công việc mới.

Quảng Bình là một tỉnh nhỏ, dân số ít, tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân so với các tỉnh thành trên cả nước đang còn thấp, vì vậy những con số thống kê trên là rất đáng báo động.

Không riêng gì tỉnh Quảng Bình, theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong một năm rưỡi gần đây đã có gần 9.400 nhân viên y tế khu vực y tế công lập nghỉ việc, thôi việc. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống. Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay.

Khi nói đến “làn sóng” cán bộ y tế nghỉ việc, nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, đại dịch COVID-19 như là "giọt nước làm tràn ly" khiến nhân viên y tế phải quyết định nghỉ việc, bỏ việc ở bệnh viện công.

Vì sao? Vì những vất vả, khó khăn, thậm chí phải đánh đổi tính mạng của các nhân viên y tế trong đại dịch vẫn chưa được quan tâm, đãi ngộ hay đơn giản là được thanh toán xứng đáng.

Đơn cử như tại Nghệ An, lực lượng y tế đã từng bất chấp nguy hiểm vì nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhưng khoản phụ cấp chống dịch có hiệu lực từ hơn một năm trước nhưng đến nay rất nhiều người vẫn chưa được chi trả khiến bao người hụt hẫng, chạnh lòng. Điều đó cũng khiến họ thấy không còn động lực để tiếp tục làm việc, cống hiến.

Cũng lưu ý rằng, thực trạng trên cho thấy đang có một sự dịch chuyển mạnh mẽ nguồn nhân lực y tế giữa khu vực công lập sang khu vực tư nhân; hay nói một cách ví von là đang “chảy máu chất xám” từ bệnh viện công lập về các cơ sở y tế ngoài công lập, tư nhân.

Từ đó, nếu không có giải pháp để ngăn chặn "làn sóng" này thì các cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được một lớp cán bộ có tay nghề, có trình độ chuyên môn.

Đây là một sự lãng phí rất lớn đối với các cơ sở y tế công lập.

Việc “chảy máu chất xám” ở các tuyến y tế công lập cũng sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng do thiếu nhân lực đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, dẫn đến đứt gãy hệ thống y tế.

“Làn sóng” y bác sỹ nghỉ việc, chuyển công tác là rất đáng báo động, tuy nhiên cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Tăng lương, tăng thu nhập chế độ đãi ngộ xứng đáng cho nhân viên y tế là rất quan trọng, tuy nhiên thái độ và sự quan tâm đối với lực lượng y tế là quan trọng hơn nhiều.

Đừng quên rằng, trong hơn 2 năm chống dịch COVID-19, đã có 10 nhân viên y tế tử vong trong quá trình tham gia thực hiện các nhiệm vụ. Tuy nhiên, đến nay chưa y bác sĩ nào được công nhận liệt sĩ.

Hay mới đây thôi, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã có lời xin lỗi vì đã chậm khen thưởng tới lực lượng y tế phòng chống dịch COVID-19 và yêu cầu nhanh chóng khắc phục.

Các biến thể phụ mới của biến thể Omicron vẫn tiếp tục xuất hiện và lan nhanh; biến chủng mới BA.4 và BA.5 cũng đã có mặt tại Việt Nam; nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trở lại đang rất hiện hữu.

Và cũng đừng quên, dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp; nguy cơ dịch chồng dịch cũng đang rất hiện hữu.

Rồi trọng trách lại tiếp tục đè nặng lên vai những cán bộ y tế. Những chiến sĩ áo trắng lại tiếp tục lặng lẽ dấn thân, cống hiến, hy sinh tình cảm và lợi ích cá nhân để mang lại cuộc sống bình an cho người dân.

Thấm đẫm trong mình lời thề Hippocrates, những “chiến sỹ áo trắng” sẽ luôn đặt sức khỏe của nhân dân trên tất cả mọi lợi ích. Tuy nhiên, phải sớm hành động, sớm thay đổi để giọt nước đừng… tràn ly.



https://laodong.vn/ban-doc/mong-giot-nuoc-dung-tran-ly-1067173.ldo

Theo LÊ PHI LONG (LĐO)

 

 

Có thể bạn quan tâm