Một buổi huấn luyện đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây không lâu, trong một chuyến công tác lên Đồn Biên phòng Pô Cô, tôi có may mắn được chứng kiến một giờ huấn luyện vô cùng thú vị. Đó là giờ huấn luyện chó nghiệp vụ của các chiến sĩ đến từ Trường Trung cấp Biên phòng-Cụm cơ động chó nghiệp vụ 3. Bốn chú khuyển to lớn, hung dữ đi bên cạnh bốn huấn luyện viên khiến tôi cứ rụt rè chẳng dám lại gần, thấy vậy, một trong 4 huấn luyện viên lên tiếng trấn an: Nhà báo cứ yên tâm, khi chưa có hiệu lệnh của huấn luyện viên thì những chú khuyển này rất ngoan hiền! Dẫu đã được trấn an, song thú thật tôi vẫn rất nghi ngại và chỉ dám đi phía sau quan sát.
 

 Chuẩn bị lên đường tuần tra. Ảnh: Phương Dung
Chuẩn bị lên đường tuần tra. Ảnh: Phương Dung

Trước khi vào huấn luyện, các chú khuyển đã có những màn khởi động vô cùng mãn nhãn bằng những động tác cơ bản: đứng im, chào, nằm, ngồi, bò… ngay sau hiệu lệnh của huấn luyện viên. Tiếp theo màn khởi động, các chú khuyển lại tiếp tục với bài huấn luyện: vượt vật cản, ngửi-đánh hơi đồ vật, cắp đồ vật, truy bắt đối tượng… Đây có lẽ là chương trình huấn luyện nâng cao dành cho những chú khuyển đã có “thâm niên” trong nghề, bởi từng động tác đều không hề dễ dàng. Khi huấn luyện viên vừa ném đồ vật ra xa, đồng thời ra hiệu lệnh, chỉ trong tích tắc, chú khuyển lao theo và cắp đồ mang về. Song có lẽ nguy hiểm và ấn tượng hơn cả là bài tập truy bắt đối tượng. Trước khi luyện tập bài học này, một chiến sĩ phải ngụy trang thành đối tượng cần phải truy bắt.

Vừa quấn dây thừng thật chặt vào cánh tay, Thiếu úy Hồ Xuân Đồng vừa giải thích: Quấn dây thừng chặt vào cánh tay, sau đó đeo bao tay bằng vải bông vào để khi huấn luyện, những chú khuyển nếu có quá hung hăng cũng không thể cắn vào da thịt. Khi đã trang bị xong, “đối tượng” bước ra ngoài thao trường và huấn luyện viên hô vang hiệu lệnh: “Cắn!”. Ngay lập tức, chú khuyển lao ra, nhằm thẳng vào đối tượng mà giằng xé, cuộc vật lộn chỉ kết thúc khi đối tượng không còn chống cự và hiệu lệnh của huấn luyện viên hô lên. Đối với những người lần đầu tiên chứng kiến buổi tập luyện như chúng tôi ai cũng thót tim vì sợ, nên bài tập luyện vừa kết thúc, ai cũng tò mò hỏi han “đối tượng”. Thật may, cuộc vật lộn ấy đều nằm trong bài học và có lẽ đó là công việc thường ngày của huấn luyện viên nên không xảy ra sai sót gì. Tuy nhiên, theo các huấn luyện viên thì chuyện chảy máu, rách tay, rách chân trong quá trình huấn luyện cũng không phải là chuyện lạ đối với nghề huấn luyện chó nghiệp vụ, bởi chỉ cần một sơ sót nhỏ hoặc người huấn luyện viên không nắm bắt được tâm lý chú khuyển thì rất dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp.
 

Huấn luyện truy bắt đối tượng. Ảnh: Phương Dung
Huấn luyện truy bắt đối tượng. Ảnh: Phương Dung

Thiếu úy Hồ Xuân Đồng tâm sự: “Công tác huấn luyện chó nghiệp vụ thầm lặng nhưng đầy nguy hiểm, đòi hỏi mỗi huấn luyện viên luôn phải có kế hoạch bài bản, huấn luyện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp và đặc biệt phải nắm được đặc điểm, tính nết của từng chú khuyển do mình phụ trách”. Cũng theo Thiếu úy Hồ Xuân Đồng, việc nuôi nấng, chăm sóc, huấn luyện một chú khuyển cũng rất công phu. Phải luôn gần gũi, quan tâm, chăm sóc, vỗ về đồng thời phải hiểu tính khí của chúng, đặc biệt trong quá trình huấn luyện, huấn luyện viên phải luôn kiên trì, không được nóng vội. Bởi, ban đầu nó chỉ là con vật hoang dã muốn xây dựng cho chúng những phản xạ thuần thục, có thể nghe theo mọi hiệu lệnh của huấn luyện viên cũng phải mất 2 đến 3 năm. Vất vả là vậy nhưng chỉ cần những chú khuyển khỏe mạnh, ngoan ngoãn làm theo các hiệu lệnh và quấn quýt bên chân, vẫy đuôi chờ sự khen thưởng là các huấn luyện viên như quên hết mệt nhọc và có thêm nguồn khích lệ.

Sau những màn vật lộn, giằng xé ngoài thao trường, những chú khuyển lại tiếp tục với công tác tuần tra trên biên giới và điểm đến là cột mốc 25 (mốc 3). Sau khi tuần tra một lượt xung quanh đường biên, mốc giới không phát hiện dấu hiệu khả nghi, công tác huấn luyện mới được kết thúc. Trung úy Trần Trung Hiếu, cho biết: Trong đợt này, Trường Trung cấp Biên phòng-Cụm cơ động chó nghiệp vụ 3 tổ chức huấn luyện dã ngoại đồng thời phối hợp với Đồn Biên phòng Pô Cô trong công tác tuần tra bảo vệ biên giới. Chúng tôi hy vọng, trong quá trình huấn luyện dã ngoại sẽ huấn luyện cho các chú chó nghiệp vụ tăng khả năng phản xạ, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, sẵn sàng chi viện cho các đồn biên phòng trong quá trình tuần tra, bảo vệ biên giới.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm