Một chính sách bị “lãng quên”...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kể từ năm 2002 đến nay, tỉnh Gia Lai đã trích từ ngân sách nhà nước hơn 7,3 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân thể (BHTT) cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) ở các làng, xã đặc biệt khó khăn, học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, THPT. Thế nhưng, qua 10 năm thực hiện thì chính sách này chưa được phát huy triệt để tính ưu việt-nhân đạo xã hội mà nó hướng đến và học sinh DTTS-đối tượng được thụ hưởng BHTT lại không hề hay biết gì về điều này!

Một chính sách thiết thực

Trong những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm thực hiện nhiều dự án, chương trình, chính sách kinh tế-xã hội quan trọng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cải thiện và nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào DTTS tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Riêng lĩnh vực giáo dục, tỉnh đã ban hành Quyết định số 802/QĐ-UB ngày 16-10-2002 “Về việc xuất ngân sách tỉnh trợ cấp đóng bảo hiểm toàn diện cho học sinh DTTS ở các làng, xã đặc biệt khó khăn, học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh DTTS theo học tại các trường THPT được hưởng chế độ như nội trú từ năm học 2002-2003 trở đi”.

Ban Kinh tế-Ngân sách đang giám sát tại huyện Krông Pa. Ảnh: Sơn Ca
Ban Kinh tế-Ngân sách đang giám sát tại huyện Krông Pa. Ảnh: Sơn Ca

Theo đó, hàng năm Sở Tài chính, Sở Giáo dục-Đào tạo và Công ty Bảo Việt Gia Lai phối hợp thực hiện mua BHTT cho học sinh DTTS với mức phí 12.500 đồng/HS/năm. Trong đó, ngân sách tỉnh trợ cấp 10.000 đồng/HS/năm; Công ty Bảo Việt Gia Lai hỗ trợ 2.500 đồng/HS/năm.

10 năm qua các sở, ngành chức năng đã nghiêm túc thực hiện theo quy trình: Sở Tài chính lập kế hoạch, dự toán chi kinh phí trợ cấp đóng BHTT. Sở Giáo dục-Đào tạo ký kết hợp đồng với Công ty Bảo Việt Gia Lai, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện kinh phí trợ cấp đóng BHTT đúng đối tượng và thanh-quyết toán theo đúng quy trình. Công ty Bảo Việt Gia Lai tiếp nhận kinh phí, thực hiện cấp phát thẻ BHTT theo danh sách hợp đồng và thanh toán bảo hiểm kịp thời, đúng quy định.

Nhưng bị “lãng quên”...

Trong những ngày đầu tháng 3-2012, Ban Kinh tế-Ngân sách (HĐND tỉnh) đã tổ chức đợt giám sát tình hình sử dụng kinh phí phân bổ cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo để thực hiện BHTT cho học sinh DTTS và phát hiện khá nhiều vấn đề tồn tại. Mặc dù chính sách này được “phủ sóng” liên tục 10 năm với 743.808 lượt học sinh DTTS tham gia bảo hiểm nhưng tại các trường thuộc xã vùng III như: Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (xã Hbông-huyện Chư Sê), Trường Tiểu học Trần Phú (xã Chơ Long-huyện Kông Chro), hoặc Trường Tiểu học Phú Cần (huyện Krông Pa) thì ngay Hiệu trưởng cũng không nắm rõ, thậm chí còn nhầm lẫn giữa BHTT với bảo hiểm y tế cho học sinh.

Lý giải về điều này, thầy giáo Nguyễn Phi Hùng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (xã Hbông-huyện Chư Sê) nhìn nhận: Do học sinh tại đây được hưởng chính sách y tế vùng III nên khi có đau ốm, bệnh tật gì thì chỉ sử dụng thẻ BHYT. Hàng năm, trường chỉ lập danh sách học sinh gửi lên Phòng Giáo dục-Đào tạo, còn việc triển khai như thế nào thì trường không nắm được. Một phần vì không có thẻ BHTT nên chúng tôi cũng không quan tâm mấy đến loại bảo hiểm này.

Không được cấp phát thẻ, không được tuyên truyền hướng dẫn về những quyền lợi thiết thân khi xảy ra sự cố được bảo hiểm, thậm chí không hề biết đến sự tồn tại của loại hình bảo hiểm này nên hàng chục ngàn lượt học sinh DTTS/năm đã bỏ qua cơ hội được chia sẻ, hỗ trợ về tài chính khi đau ốm, rủi ro. Thống kê từ Bảo Việt Gia Lai cho thấy, từ năm 2007 đến 2011, Công ty đã thanh toán bảo hiểm cho 104 trường hợp, với số tiền là 151 triệu đồng, bình quân 1,5 triệu đồng/HS.

Đánh giá về con số này, ông Nguyễn Trung Tâm-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, thành viên Ban Kinh tế-Ngân sách thẳng thắn đặt vấn đề: Trong 10 năm qua mà Bảo Việt Gia Lai chỉ chi trả được 104 trường hợp chết do bệnh tật, tai nạn với số tiền 151 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,025%. Vậy không có trường hợp HS bị tai nạn, phẫu thuật, nằm viện hay sao? So với mức kinh phí từ ngân sách đã bỏ ra thì đây là con số quá thấp và không phản ánh đúng sự thật, việc chi trả BHTT có vấn đề!

Triển khai không đến nơi đến chốn nên vô hình trung chính sách BHTT chỉ truyền tải được từ cấp Sở đến các Phòng Giáo dục-Đào tạo, bảo hiểm theo kiểu -lập danh sách-rồi để đấy, thậm chí có đơn vị còn lập báo cáo theo kiểu chung chung, đối phó với công tác kiểm tra... mà không thực sự chú trọng đến khâu tuyên truyền, phổ biến cho đối tượng học sinh DTTS ngay tại trường học nên hiệu quả, mục đích xã hội mà chủ trương này hướng đến đã không đạt được.

Sơn Ca
 

Có thể bạn quan tâm