Có thể nói mà không sợ quá lời rằng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước trên mặt trận học thuật - nghiên cứu, tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã có một vị trí đặc biệt.
Nhiều năm trở lại đây, nhất là khi vấn đề biển đảo, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa trở nên nóng bỏng thì những bài viết, công trình nghiên cứu, những công bố của ông tạo nên những hiệu ứng vô cùng mạnh mẽ, cả trong nước và quốc tế. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm, công trình nghiên cứu ông vừa công bố (tháng 7-2013): Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Từng được đọc nhiều bài viết, công trình nghiên cứu đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của tiến sĩ Nguyễn Nhã, đăng trên các báo hoặc công bố độc lập, tôi cho rằng Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có thể xem như thành quả công phu, tâm huyết nhất của ông về đề tài này, sau gần 40 năm chuyên tâm nghiên cứu.
Với hiểu biết sâu sắc về lịch sử; kiến thức phong phú; khả năng sử dụng các ngôn ngữ Anh, Pháp, Hán; sự thu thập tỉ mỉ tư liệu trong nhiều năm trời; sự cẩn trọng chính xác của một nhà khoa học lịch sử, và trên hết là thái độ tích cực của một công dân đầy trách nhiệm với đất nước, tác giả đã trao cho người đọc không phải chỉ tác phẩm cung cấp hiểu biết chính xác về biển đảo Tổ quốc mà cả chất men say tràn đầy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.
Trên cơ sở sử liệu là các chính sử, tác phẩm, tư liệu từ nhiều triều đại phong kiến Việt Nam liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, nhất là các châu bản, văn bản thời nhà Nguyễn; những tài liệu, số liệu, bản đồ của phương Tây và Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Nhã bằng những lập luận sắc bén, chặt chẽ, đầy sức thuyết phục đã khẳng định chân lý không lay chuyển: từ xa xưa, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam chứ không phải Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào.
Những người đầu tiên khai phá, đặt mốc chủ quyền hai quần đảo trên chính là những công dân Việt Nam. Dù trải qua nhiều biến động lịch sử, nhưng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ bấy đến nay vẫn nhất quán, không hề suy chuyển, đổi thay. Toàn bộ 6 chương sách với cách sắp xếp khoa học, chứng minh rõ ràng đã dẫn dắt người đọc đi đến chân lý ấy. Nói như GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, “đây là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, dựa trên những tư liệu phong phú, chứng cứ và lập luận rất khách quan..., tác giả đã đưa ra các luận chứng khoa học và pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo...” (Lời giới thiệu).
Đôi khi được gặp tiến sĩ Nguyễn Nhã trong những cuộc hội thảo khoa học hoặc cuộc gặp mặt cộng tác viên (ông là cộng tác viên thân thiết của Báo Thanh Niên), nhìn con người nhỏ nhắn vầng trán cao tóc đã phơ phơ màu muối ấy, tôi đồ rằng mỗi tế bào nơi ông đều chứa đều in dấu ấn Hoàng Sa, Trường Sa. Chứ sao, bởi đất đai, hải đảo, biển khơi thiêng liêng của Tổ quốc đã lặn sâu vào máu thịt, vào từng hơi thở, suy nghĩ của ông, vào từng việc ông làm, từng con chữ ông viết. Nếu không dành hẳn cả đời cho điều mình đau đáu, tâm huyết thì không thể cho ra những sản phẩm có sức lay động, lôi cuốn tận đáy lòng bạn đọc như thế.
Có lẽ cũng cần phải nhắc thêm điều này: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đem đến bạn đọc, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi, độ tuổi học sinh, sinh viên một ấn phẩm đẹp, nội dung hay, đầy ý nghĩa. Hy vọng công trình của tiến sĩ Nguyễn Nhã Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ đóng vai trò như một thứ sách giáo khoa về chủ quyền biển đảo trong hệ thống giáo dục nước nhà.
Theo thanhnien