Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Một cuốn sách quan trọng nhưng sai quá nhiều

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đó là cuốn "Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên" (NXB Khoa học Xã hội, 2018) do Nguyễn Ngọc Thanh (chủ biên) cùng 8 người khác là đồng tác giả với lổn ngổn chi tiết sai và sao chép khá nhiều từ tác phẩm của người khác.



Theo lời giới thiệu, sách này (ảnh) "là kết quả của các chuyến điều tra điền dã dân tộc học kết hợp với nguồn tài liệu thống kê ở trung ương và các địa phương, bên cạnh đó nhóm tác giả có sử dụng nguồn tư liệu đã công bố trên các sách báo, tạp chí và internet". Chưa rõ nhóm tác giả đã điền dã ở những đâu, trong bao lâu, nghiên cứu được gì về Tây Nguyên nhưng đúng là họ đã sử dụng tư liệu của người khác một cách tối đa, không cần kiểm chứng hay xin phép.

Sao chép, cắt dán

Sách có 4 chương với gần 100 mục từ. Mỗi mục từ là một đoạn hay bài ngắn, theo kiểu đề tài: Biển Hồ, ngục Kon Tum, Ga hỏa xa Đà Lạt, sử thi, thịt nai Đắk Lắk… Cuối mỗi mục viết đều không ghi tên tác giả. Để làm thành "công trình" dày gần 300 trang (tr.) này, nhóm tác giả sử dụng triệt để chiêu sao chép, cắt dán, sửa chữa rồi cước chú, như là chỉ tham khảo chút ít chứ không lấy trọn. Trong khoảng 170 cước chú, nhóm tác giả đã sáng tạo ra những từ ngữ mập mờ, kiểu "phát triển từ một phần" cuốn sách nọ, "theo bài viết" kia hoặc "tham khảo từ…"…


 

 

Thoạt nhìn thì có vẻ khoa học nhưng xem kỹ sẽ thấy đa số nội dung các mục từ chủ yếu có được là do cắt ghép từ sách báo, công trình của người khác, không phải là những kết quả nghiên cứu của chính nhóm tác giả này. Nếu không có bản gốc để đối chiếu, người đọc không thể phân biệt được đâu là văn của người viết ban đầu, đâu là chữ của người biên soạn sách.

Chính vì vậy, có những thông tin sai lạc từ nguồn cũng được "dán" lại y chang. Sách đã nhầm khi cho rằng Biển Hồ (Gia Lai) là Ea Nueng; theo đó Ea có nghĩa là nước (tr. 127); Ia Ly bị viết lẫn thành Yaly, Ialy (tr. 132-133); huyện Đak Pơ viết sai thành Đăk Pơ (tr. 134); viết rất sai rằng người Bahnar gọi sử thi là hom (tr. 157), gọi ăn trâu là sakapo (tr. 247, 248) hay xem đâm trâu là… lễ hội (tr. 246-250). Có những chi tiết sai một cách khó hiểu, như đã sưu tầm được sử thi Jrai Chín chiêng, Zông (tr. 258) hay khẳng định khan là từ chung chỉ việc kể sử thi Tây Nguyên (tr. 258). Thông tin nghệ nhân nằm trên ghế để kể sử thi thiếu cơ sở (tr. 259) còn việc dẫn cuốn sách Kho tàng sử thi Tây Nguyên: Sử thi Ba-na (tr. 260, 288) thì không đúng. Định vị "làng kháng chiến Stơr thuộc thị trấn K’Bang" (Gia Lai) là sai (tr. 82).

Có những chi tiết mâu thuẫn ngay trong cùng một mục viết. Đoạn trên mới khẳng định "đến nay đã phát hiện được trên 20 sử thi lớn", ngay bên dưới lại viết: "Hiện nay, có tổng cộng hơn 200 bộ sử thi Tây Nguyên được sưu tầm, ghi chép" (tr. 258). Đoạn viết về khóc trâu (tr. 249) là một sự tưởng tượng. Tương tự như vậy, khi ở mục lễ hội Xuân Tây Nguyên, họ cho rằng: "Trong lễ ăn trâu, các nghi lễ như lễ đón bạn, lễ cúng hồn lúa, lễ khóc trâu, lễ đâm trâu, lễ tiễn bạn lần lượt diễn ra trong suốt 7 ngày đêm" (tr. 252-253). Không đúng! Mỗi tộc người bản địa Tây Nguyên đều có những cách hiến sinh trâu khác nhau, vì những lý do khác nhau, không hề giống như những gì vừa dẫn.

Kinh ngạc hơn khi nhóm tác giả hạ bút: Vùng đất phía Đông tỉnh Gia Lai ngày nay là nơi "những cá thể người đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam", là chốn hình thành "Nhà nước cổ đại lớn mạnh nhất Việt Nam (Nhà nước Văn Lang)", cũng là điểm xuất phát của "những cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu tiên (khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng)" (tr. 51)...

Sau 5 năm khai quật (từ 2015) tại An Khê (Gia Lai), các nhà khoa học đã tìm thấy rìu tay sơ kỳ Đá cũ. Từ đó, bước đầu nhận định đây là nơi cách nay khoảng 80 vạn năm, con người từng cư trú. Nhưng họ là ai, họ có liên quan đến nhà nước hay các cuộc khởi nghĩa kia không thì chưa thể biết. Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, khẳng định: Không thể nói một cách vu vơ, thiếu chứng cứ như vậy được. Từ góc độ chuyên môn của mình, ông Đối phủ nhận các thông tin mà sách này đã nêu.

Dấu hiệu đạo văn khá rõ

Ngoài sao chép, cắt dán, cuốn sách còn có nhiều phần không ghi nguồn "tham khảo". Ban đầu, chúng tôi tưởng là sản phẩm của "nhóm biên soạn", hóa ra vẫn là "cầm nhầm" văn người khác: Mục "Gà nướng Buôn Đôn" (tr. 155-156) vốn là bài "Thưởng thức gà bản Đôn nướng sả" đăng năm 2012, trên amthuc365.vn; mục "Gỏi lá Kon Tum" (tr. 159-161) có bài gốc là "Gỏi lá độc đáo ở Kon Tum" đăng năm 2013, trên vnexpress.net; mục "Cơm lam" (tr. 161-162) chứa nhiều câu, đoạn của bài "Cơm lam, gà sa lửa đặc sản Tây Nguyên", đăng trên vnexpress.net năm 2013; mục "Nghề dệt thổ cẩm của người Ba-na (tr. 199-200) chép lại bài "Dệt thổ cẩm, nét đẹp văn hóa của người Ba-na", trên VOV5 - vovworld.vn, năm 2014…

Không thể dò hết 100 sách, báo và 55 đường dẫn mà nhóm tác giả này cho biết là đã "tham khảo" nhưng sự thật là có rất nhiều link không tồn tại.

Chúng tôi đã trao đổi với một số người có bài viết, công trình, sách được sử dụng trong tập sách này. PGS-TS Nguyễn Khắc Sử (hiện ở Hà Nội; người có tài liệu được sử dụng tại các tr. 109-115, 119, 122, 125), nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm (Đắk Lắk; tr. 261-263), nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Hà Nội; tr. 263-269), ông Phạm Bình Vương (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cùng bút danh Sỹ Nguyên; tr. 94, 95, 97, 210-212), ông Thế Phiệt (Thư viện tỉnh Gia Lai; tr. 213-216), bà Đoàn Bích Ngọ (Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng; tr. 205-206) đều xác nhận: Họ không được nhóm tác giả nọ xin ý kiến, không hề biết bài của mình bị đưa vào "công trình" này và cũng không được tặng sách. Không có lời cảm ơn nào dành cho các tác giả đích thực của cuốn sách này!


 

Ai chịu trách nhiệm về những thông tin sai sự thật và sự sao chép bất hợp pháp trong cuốn sách này?



NGUYỄN QUANG TUỆ (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai)
(theo nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm