(GLO)- Nằm lọt thỏm giữa thung lũng với một màu xanh thẳm của núi rừng, bao năm rồi cái nghèo vẫn còn đeo bám như một “định mệnh”. Xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cái tên không còn xa lạ, nhưng sau một chuyến hành trình bỗng thấy… thương lắm Hà Đông!
Từ trung tâm huyện Đak Đoa vào đến xã Hà Đông chừng 50 km, nhưng trước chuyến đi, chúng tôi nhận được nhiều lời cảnh báo “sau đợt mưa dài, vào được Hà Đông vất vả lắm đấy!”
Hà Đông xa ngái
Những hố sâu nham nhở, từng vũng bùn đỏ au, đặc quánh là những gì trên con đường hơn 20 km từ ngã ba xã Đak Sơ Mei đến xã Hà Đông. Dù mới hôm trước, huyện Đak Đoa đã cử máy xúc vào lấp lại các điểm sạt lở sau đợt mưa kéo dài, nhưng cũng chỉ khắc phục được phần nào.
Con đường lầy lội vào xã Hà Đông. Ảnh: Nguyên Võ |
Chiếc xe ô tô lắc lư, gầm rú mỗi khi đến đoạn đường đất lầy lội, thi thoảng lại nhảy lên như ngựa chứng vì vấp phải những tảng đá lớn cạt vào gầm xe. Dù đã quá quen với những con đường đất lầy lội trên địa bàn tỉnh vào mùa mưa, nhưng có lẽ đây là con đường “dị” nhất mà tôi đã từng đi qua. Nó gợi cho tôi rất nhiều cảm xúc, nếu chỉ những km đầu tiên, thì hai bên đường toàn là lau lách che khuất cả lối đi. Thoát ra khỏi sự hoang sơ ấy, là đụng ngay phải những “đầm lầy” được bao bọc bởi một bên là núi, bên kia là vực thẳm, ở đó vết tích của những lần sạt lở dường như vẫn còn nguyên vẹn.
Do khó khăn trong đi lại, nên hơn 20 km đường vào xã, thi thoảng chúng tôi mới bắt gặp cảnh một vài người dân bì bỏm lội bộ giữa bùn lầy. Phải mất gần 3 tiếng vất vã với con đường, chúng tôi mới về đến trung tâm xã. Dù không nói ra, nhưng khi đi trên con đường này, ai cũng mong trời đừng mưa, nếu không chiều chỉ còn cách ở lại xã mà thôi. Anh Bùi Đăng Nhung-Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Đak Đoa vẫn vui vẻ: “Thế này còn đỡ đấy, chứ nửa tháng trước để vào đây, sáng 8 giờ đi thì phải 8 giờ tối mới đến…”.
Còn Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Trương Phước Anh thì cho biết: “Địa hình và thời tiết ở đây khắc nghiệt lắm, cả tuyến đường từ trung tâm huyện vào đây, huyện đã dồn lực đầu tư tổng cộng hơn 70 tỷ đồng rồi, nhưng vẫn chưa thể hoàn thành hết được…”. Dù từ xã Hà Đông còn có tuyền đường về xã Ayun (huyện Mang Yang), Hà Tây (huyện Chư Pah) và lên Kon Tum, nhưng hầu hết là đường mòn và băng qua sông suối, nên mùa mưa cũng chỉ có cách vượt qua “đầm lầy” này để thông thương.
Ảnh: Lê Anh |
Thương lắm Hà Đông
Vượt qua chặng đường gian nan, chúng tôi đến được trung tâm xã Hà Đông, gọi là trung tâm cho “oai” chứ thực chất xung quanh cũng chỉ có trụ sở UBND xã, Trường THCS Trần Kiên, một ngôi nhà rông và một nhà dân. Cũng vì điều kiện khó khăn, sự tĩnh lặng, hoang sơ của Hà Đông mà không ít cán bộ trẻ vào nhận công tác được một thời gian rồi lặng lẽ rời khỏi mảnh đất này.
“Cái khó, nên bó lấy cái khôn”, cả xã có hơn 730 hộ dân, phân bố ở 5 làng cách xa trung tâm xã từ 2 km đến gần 10 km (trong đó hơn 90% là người Bahnar), thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 40%. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và chăn nuôi. Cũng vì không thuận lợi trong đi lại, nên thương mại-dịch vụ ở xã Hà Đông dường như không có, cuộc sống của bà con chủ yếu vẫn là tự cung, tự cấp. Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm, xã Hà Đông thu ngân sách chỉ đạt trên 15 triệu đồng, các khoản như thu thuế môn bài hơn 5 triệu đồng, thu phí và lệ phí 408.000 đồng, thuế giá trị gia tăng gần 3 triệu đồng…
Dù có hơn 50 ha lúa nước, nhưng thiếu công trình thủy lợi nên năng suất không đạt, chủ yếu là mì hơn 400 ha, thì giao thông đi lại khó khăn, vì vậy chi phí sản xuất cao, giá bán lại thấp hơn so với những nơi khác, nên cái nghèo vẫn còn hiện hữu là điều khó tránh khỏi… Hiểu được nỗi khổ của bà con, nên huyện Đak Đoa đã cử hẳn một “Tổ công tác đặc biệt” xuống giúp xã, giúp bà con trong mọi công việc. Sự cố gắng ấy bước đầu đã mang lại hiệu quả, và niềm hy vọng sẽ đưa Hà Đông thoát ra khỏi đói nghèo trong tương lai. Từ năm 2008 chính quyền huyện, xã đã vận động, giúp đỡ một số hộ dân trồng cao su tiểu điền và đến nay, tổng diện tích cao su tiểu điền của xã đã lên đến 61,5 ha.
Trung tâm xã Hà Đông. Ảnh: Lê Anh |
Ngoài cái “ấn tượng nghèo”, thì sự thật thà, chân chất của người Bahnar nơi đây khiến chúng tôi cảm phục. Trong lần tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gần đây, các cử tri đề đạt ý kiến, cắm mốc giới phân biệt đất rừng và đất sản xuất để người dân không phải nhầm lẫn khi khai hoang… Dù khó khăn là vậy, nhưng bao đời nay người Bah Nar nơi xã nghèo này vẫn một lòng theo Đảng, không nghe theo lời của kẻ xấu xúi giục.
Chia tay Hà Đông trong bóng chiều chạng vạng, dù chưa thể hiểu hết những khó khăn của người dân nơi đây đang phải đối mặt. Nhưng trên chuyến xe trở về, dường như mọi người đều quên đi con đường gập ghềnh dưới chân mình, mà trĩu nặng ưu tư với nỗi buồn của Hà Đông.
Lê Anh