Thời sự - Bình luận

Một mình con thi, một mình cha quyết, trượt mới lạ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Trịnh Đình Dương - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, lại làm Chủ tịch Hội đồng xét tuyển viên chức, còn người ứng tuyển và đậu vào vị trí viên chức duy nhất của đơn vị là ông Trịnh Tiến Dũng (SN 1990), con trai ruột ông Trịnh Đình Dương.



Một mình con trai của ông giám đốc dự tuyển và ông giám đốc cũng là Chủ tịch hội đồng, thi tuyển kiểu này có muốn rớt cũng không được.

Vụ việc này khiến dư luận phản ứng, bởi vì cha tuyển con, biến việc công thành việc tư, cha truyền con nối. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa giao cho Thanh tra sở phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ của sở thẩm định lại quy trình xét tuyển được cho là chưa khách quan  này.

Ông Trịnh Đình Dương cho rằng, theo quy định xét tuyển viên chức thì không cấm việc bố làm chủ tịch hội đồng khi có con xét tuyển viên chức.

Cho dù pháp luật không có quy định cha không được làm chủ tịch hội đồng khi con dự tuyển, nhưng với một người làm lãnh đạo, trong trường hợp này nên ứng xử phù hợp, tránh tai tiếng. Dư luận có quyền đặt vấn đề, rằng ông Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa dùng quyền để đưa con mình vào, tổ chức thi tuyển chỉ là hình thức để xong thủ tục.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi, tỉnh Thanh Hóa có nhiều người có bằng cấp chuyên môn, muốn  dự tuyển để kiếm một việc làm ở Bảo tàng, nhưng tại sao chỉ một mình con ông giám đốc dự tuyển? Người dân sẽ thấy không công bằng, của công dành cho con ông cháu cha. Cho nên, câu hỏi “đồng chí này là con đồng chí nào?” không phải không có lý.

Lịch sử còn ghi lại, năm 1696, Ngô Sách Tuân được cử làm Phó chủ khảo ở Trường Thi, Thanh Hóa. Trước khi đi Thanh Hóa, Sách Tuân được Tham tụng Lê Hy gửi gắm nhờ giúp đỡ con trai thi trường ấy. Trong kỳ thi đó con của Lê Hy không đỗ, Ngô Sách Tuân đã lấy những quyển thi bị đánh hỏng đó đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ. Chủ khảo kỳ thi là Phó đô ngự sử Ngô Hải phát hiện, hứa sẽ giấu kín chuyện, nhưng quan Tham chính là Phan Tự Cường lại phát giác và tâu lên chúa Trịnh. Triều đình khép Ngô Sách Tuân vào tội phải thắt cổ mà chết. Ngô Hải bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn người tố cáo là Phan Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.

Ngày xưa, lạm dụng quyền lực để gian dối thi cử, tạo điều kiện cho con thăng quan tiến chức, dù là quan to cũng bị xử nghiêm.

Chuyện cha con ông giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chưa khẳng định là gian dối, nhưng liệu có khách quan, công bằng hay không?

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mot-minh-con-thi-mot-minh-cha-quyet-truot-moi-la-791788.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm