Thời sự - Bình luận

Một năm không quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

2020 là một năm không thể nào quên với rất nhiều người. Covid-19 đã làm cho cả thế giới đảo điên, nhiều chủ doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần, người lao động mất việc làm, kế hoạch dự định của biết bao người và tổ chức phải hủy bỏ, nhiều xáo trộn trong cuộc sống, việc làm và học hành.

Ở châu Âu, nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều người bị sang chấn tâm lý, bạo hành trong gia đình gia tăng, tỷ lệ nghiện chất kích thích, đồ uống có cồn gia tăng.

 

 Người dân kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2021
Người dân kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2021


Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại về kinh tế toàn cầu năm 2020 ước tính 4,2% GDP, tương đương 3.700 tỷ USD. Để dễ hình dung, con số này nhỉnh hơn 10 lần GDP của Việt Nam hiện nay. Nhiều quốc gia xem chống dịch như chống giặc, đã có lúc quân đội được huy động, bệnh viện dã chiến được dựng lên, thậm chí cầu hàng không được thiết lập để vận chuyển bệnh nhân, chia lửa với những nơi quá tải. Như nước Pháp, đã có lúc phải nhờ các bệnh viện của Đức, Thụy Sĩ, Áo gần biên giới hỗ trợ.

Những trung tâm du lịch lớn của châu Âu như Paris, Rome, Barcelona đìu hiu, vắng lặng kể từ đầu năm và chẳng biết khi nào mới nhộn nhịp trở lại. Các khách sạn, nhà hàng đóng cửa hàng loạt khiến nhân viên mất việc làm và chủ doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần. Tại Paris, ngành dịch vụ làm đẹp (nail) và kinh doanh nhà hàng là những thế mạnh của cộng đồng người Việt, bị thiệt hại nặng nề vì lệnh phong tỏa. So với người bản xứ, khó khăn của người Việt hay người Pháp gốc Việt có phần đỡ hơn, do các chính sách hỗ trợ của chính phủ đủ mạnh cho các ngành dịch vụ bị thiệt hại nặng; truyền thống tiết kiệm của người Việt, tích cốc phòng cơ.   

Trong tuyến đầu phòng chống dịch, công lao và sự hy sinh của lực lượng y tế là vô cùng to lớn. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi xem truyền hình, những hình ảnh của đội ngũ y tế ở Italia, Tây Ban Nha, Pháp bất lực vì lúc cao điểm không thể đủ nhân lực và trang thiết bị y tế cần thiết. Một kỷ niệm đẹp không quên ở châu Âu lúc đó là mỗi 20 giờ tối, mọi người ra ban công hay cửa sổ nhà đồng loạt vỗ tay để cổ vũ những người đang ở tuyến đầu chống dịch.

Bao giờ cũng vậy, trong hoạn nạn tinh thần đoàn kết, chia sẻ lại trỗi dậy mạnh mẽ. Nhóm các nước giàu G20 đã đồng ý hoãn, xóa một số khoản nợ cho các nước nghèo. Các chương trình hợp tác nghiên cứu vaccine được thúc đẩy mạnh mẽ và nhanh chóng chưa từng có trong tiền lệ. Rất nhiều tổ chức văn hóa, giáo dục trong giai đoạn phong tỏa đã chia sẻ các nội dung miễn phí trên internet. Cả thế giới đã hân hoan vào ngày thứ hai 9-11-2020, khi vaccine của hãng Pfizer và BioNTech được công bố, và sau đó một thời gian là vài hãng dược phẩm khác. Nhiều nước cũng cố gắng hết sức để rút ngắn quá trình phê duyệt, sớm để người dân được tiếp cận vaccine như Anh, Đức, Pháp.

Các biện pháp giãn cách xã hội được duy trì ở mức độ nhất định đã giúp số lượng ca nhiễm ở nhiều nước châu Âu bắt đầu có xu hướng giảm, vượt qua đỉnh nguy hiểm. Cùng với tin tốt lành từ vaccine, nhiều nước đã nới lỏng và cho các hoạt động thương mại quay trở lại với quy định tối đa số khách hàng trong cửa hàng tùy theo diện tích của cửa hàng (như ở Pháp là 8m²/khách hàng).

Mặc dù Covid-19 đã khiến cho việc mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử như Amazon tăng một cách đáng kể, nhưng nhiều người dân châu Âu vẫn có cách hành xử đáng quý của mình. Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy, một tỷ lệ đáng kể người dân Pháp ủng hộ việc mua hàng hóa trực tiếp từ các cửa hàng gần nơi mình ở, như là cách ủng hộ các chủ cửa hàng, vì họ đã bị thiệt hại nhiều từ 2 lần phong tỏa. Nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cũng là một cân nhắc, khi nhiều người dự tính sẽ mua các mặt hàng được chế tạo hay có nguồn gốc từ Pháp, như là một cách ủng hộ doanh nghiệp và người lao động trong nước.

Với nhiều người dân lớn tuổi hay có thu nhập ổn định và khá, 2 đợt phong tỏa vừa qua đã giúp họ tiết kiệm khá nhiều, do không phải chi cho các hoạt động văn hóa, giải trí, du lịch và ăn uống bên ngoài. Thống kê cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm ở Đức và Pháp tăng vọt trong giai đoạn phong tỏa. Vì vậy, hoạt động thương mại cuối năm kỳ vọng nhóm khách hàng này sẽ mạnh tay chi tiêu, bù đắp lại phần nào những tháng khó khăn trong năm.

Ở nhiều nước EU có hệ thống an sinh xã hội tốt, nền kinh tế vững chãi thì chính phủ có thể vay và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp rất nhiều. Người dân không phải lo nhiều về chi phí y tế, lương thực thực phẩm ngay cả khi không có việc làm. Điều mà chính phủ và người dân lo là tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài nhiều năm, tạo ra nhiều bất ổn trong xã hội. Tuy nhiên, việc vay nợ nhiều và tăng nhanh cũng là mối lo lắng của thế hệ trẻ và thế hệ tương lai vì gánh nặng nợ sẽ là thuế của họ trong tương lai.

Đối với những nước kém phát triển hơn, đạt được mục tiêu kép để giữ kinh tế và sức khỏe của người dân là một thách thức rất lớn trong phòng chống Covid-19, và có khi phải thỏa hiệp để ưu tiên kinh tế hơn. Người nghèo, người yếm thế thì ở đâu cũng khổ, nhưng ở những nước nghèo thì chắc chắn khổ hơn. Với hy vọng vaccine sớm được phổ biến rộng rãi, thế giới sẽ trở lại quỹ đạo phát triển dù có thêm nhiều “bình thường mới”. Tổ chức Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi trong năm 2021, khởi động lại với tốc độ tăng trưởng khoảng 4,2%.

Trong lúc viết những cảm nhận này, tác giả chợt nhớ đến bài hát ”Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn do ca sĩ Cẩm Vân trình bày. Năm 2020 là một năm quá đặc biệt với nhiều người trên thế giới, với nhiều mất mát, sự hy sinh, lòng tri ân, niềm vui và hy vọng vào 2021. Tựa của bài viết vì thế xin được lấy cảm hứng từ bài hát của tác giả cùng những bài hát đi vào lòng người như: Đất nước, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn…

TS.VÕ ĐÌNH TRÍ
(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm