Một nữ Tổng Biên tập cá tính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc đời làm báo của tôi trải qua 8 đời Tổng Biên tập nhưng duy nhất có nữ Tổng Biên tập Đặng Thị Thu Hà (bút danh Đặng Thu Hà),  là người có cá tính khá ấn tượng.

Nhà báo Đặng Thị Thu Hà nhận bức trướng của Tỉnh ủy, tháng 3-1997. Ảnh: Đ.T

Chị Hà trưởng thành từ phóng viên, được đề bạt lên các vị trí lãnh đạo cơ quan Báo Gia Lai-Kon Tum và Báo Gia Lai sau này. Hồi tôi ở ngành Giáo dục, làm cộng tác viên cho báo Gia Lai-Kon Tum nhưng chưa có lần nào tiếp xúc với nhà báo Đặng Thu Hà, có lẽ vì chị không phụ trách mảng văn hóa-giáo dục mà tôi thường tham gia. Khi tôi chuyển công tác về làm phóng viên Báo Gia Lai-Kon Tum mới biết chị Hà đã là Thư ký Tòa soạn, rồi Phó Tổng Biên tập. Khi chị làm Tổng Biên tập Báo Gia Lai thì tôi chuyển về Báo Kon Tum-tờ báo địa phương mới thành lập sau ngày chia tách tỉnh-1991.

Tôi rời Báo Kon Tum năm 1994 xin trở lại Báo Gia Lai-nơi mình công tác trước đây và được Tổng Biên tập Đặng Thị Thu Hà nhiệt tình ủng hộ, có lẽ vì chị cảm nhận ở tôi có tố chất nào đó mà có thể hợp tác được. Tình hình nội bộ Báo Gia Lai bấy giờ khá ổn định với một đội ngũ phóng viên trẻ, năng nổ mới được tuyển dụng từ nguồn sinh viên các trường đại học. Tôi hiểu được nguyện vọng muốn thực sự đổi mới tờ báo Gia Lai từ hình thức đến nội dung của Tổng Biên tập Đặng Thị Thu Hà. Có lẽ “cuộc cách mạng” trước đó của Báo Gia Lai chuyển từ công nghệ in typô sang in offset là cả một vấn đề đầy khó khăn. Bởi vì, lúc này Báo Gia Lai đã từng sở hữu một Xí nghiệp In báo Đảng với đội ngũ cán bộ, công nhân hơn 20 người và một dàn máy móc cũ kỹ, lạc hậu nên việc giải thể một đơn vị kinh doanh trong cơ quan báo như vậy không phải là vấn đề giản đơn. Dù có nhiều lực cản nhưng cái tiến bộ, cái mới bao giờ cũng được sự ủng hộ của đa số và cuối cùng Xí nghiệp In báo Đảng Gia Lai đã không còn tồn tại. Báo Gia Lai là tờ báo địa phương sau cùng ở miền Trung-Tây Nguyên chuyển sang in offset trong lúc tỉnh chưa có công nghệ hiện đại nên phải mất một thời in tại Quy Nhơn-Bình Định. Bên cạnh việc đổi mới công nghệ in ấn, Tổng Biên tập Đặng Thị Thu Hà còn tìm các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ bằng nhiều hình thức cho phóng viên trang bị phương tiện tác nghiệp, như máy ảnh, máy ghi âm, xe mô tô, máy vi tính… Đây là giai đoạn đổi mới căn bản từ công nghệ đến phong cách làm việc của cán bộ, phóng viên. Từ một phóng viên “chân đất”, bản thảo còn chép tay, nắm bắt thông tin còn hạn chế, tư duy chưa vượt qua “lũy tre làng” thì nay họ đã được chuyển sang giai đoạn tiếp xúc và làm việc với các phương tiện hiện đại, đòi hỏi phải nhanh nhạy và chính xác hơn nên sự nỗ lực của đội ngũ phải cao với cường độ tác nghiệp và năng suất lao động cao hơn.

Cùng với sự chú trọng đến việc bổ sung nguồn nhân lực có tri thức và yêu nghề, Ban Biên tập còn quan tâm đến công tác đào tạo nhằm hình thành một đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, năng động, xây dựng cho được một số cây bút chủ lực chuyên sâu các lĩnh vực quan trọng nhằm thay đổi căn bản phong cách, lối thể hiện để đáp ứng yêu cầu bạn đọc ngày càng cao. Tôi là một trong những phóng viên, biên tập viên được Ban Biên tập chọn cho đi đào tạo chuyên sâu ở Hội Nhà báo Việt Nam-Hà Nội do Trường Đại học Báo chí Lille-Pháp (nơi đào tạo báo chí hàng đầu thế giới) hướng dẫn. Đây là khóa học có chất lượng, nó đã hình thành cho tôi kỹ năng thể hiện một tác phẩm báo chí hiện đại.

Ở thời kỳ Tổng Biên tập Đặng Thị Thu Hà, tôi có cảm nhận, Báo Gia Lai bấy giờ có sự phân hóa trong đội ngũ phóng viên rất rõ; số phóng viên nòng cốt có “thương hiệu” luôn được đề cao, biệt đãi, còn lại một số anh chị “làng nhàng” chưa thay đổi kịp với trào lưu đổi mới thì luôn rớt lại phía sau. Trong số phóng viên tụt hậu đó, có một số phải chuyển sang công việc khác hoặc Ban Biên tập gợi ý cho chuyển ngành nghề… Tôi nghĩ, đó cũng là quy luật tất yếu trong việc chọn lọc, đào thải đối với nghề nghiệp, đặc biệt là đối với nghề nghiệp đặc thù như báo chí, cần có yếu tố năng khiếu.

 

Nhà báo Đặng Thị Thu Hà tặng quà cho các đồng chí lão thành cách mạng. Ảnh: Đ.T

Quan tâm đến con người cụ thể, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng là bước đi khá bền vững mà trong suy nghĩ của Tổng Biên tập Đặng Thị Thu Hà đã được thể hiện từng bước bằng hành động quyết liệt, khiến cho những người có tư tưởng bảo thủ tìm mọi lý lẽ để cản ngăn. Lâu nay, việc cải cách lề lối làm việc mà có liên quan đến con người thường các đồng chí lãnh đạo hay né tránh vì dễ sinh ra sự chống đối dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Nhưng ở giai đoạn này, tôi nhận thấy một nữ Tổng Biên tập đã mạnh dạn đương đầu với vấn đề khá hóc búa, đó là thanh lọc đội ngũ phóng viên nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng tờ báo. Điều ấy thể hiện một bản lĩnh mạnh mẽ mà không phải ai cũng có thể có được. Chỉ tiếc rằng, khi công việc cơ quan Báo đang tiến triển tốt đẹp thì chị Hà phải xin chuyển công tác theo chồng ra Hà Nội...

Trong quản trị và điều hành công việc của cơ quan, Tổng Biên tập Đặng Thị Thu Hà luôn giữ nguyên tắc dân chủ, minh bạch và kỹ cương, lấy lợi ích tập thể làm trọng. Chính vì vậy mà bộ máy trong cơ quan chạy đều, mọi nỗ lực của các thành viên đều được đánh giá một cách tương đối công bằng; đời sống cán bộ, phóng viên từng bước được cải thiện.

Tôi nhớ, ở cơ quan Báo bấy giờ, trong sinh hoạt hàng ngày, nhiều anh chị em thường ngại gặp gỡ, tâm tình với chị Hà có lẽ vì ngại rằng tính khí thẳng thắn, bộc trực của chị ấy làm cho họ cảm thấy khó hòa hợp. Nhưng với tôi, chị Hà là một người chân tình, gần gũi và rất nữ tính.

 Hoàng Linh Việt

Có thể bạn quan tâm