(GLO)- Thập niên 50-60 của thế kỷ trước, mọi người đều thưởng thức các chương trình ca nhạc, thời sự... chủ yếu qua sóng phát thanh. Mà muốn thu được các làn sóng phát thanh phải có chiếc radio.
Thời đó, nhà nào có chiếc radio là thuộc hạng sang nhất làng, 1 chiếc radio bán dẫn 3 bank hiệu National Panasonic của Nhật có khi phải đổi bằng 1 con bò đực to. Nhà tôi khi ấy phải dành 2 mùa đậu phộng tháng ba mới mua nổi 1 chiếc National có bao da.
Cứ tầm 11 giờ trưa có chương trình cải lương của Đài Phát thanh Sài Gòn phát ra là lũ trẻ chúng tôi canh chừng ngồi bu xung quanh bàn để nghe, có lúc sóng ngút mất âm thanh chỉ còn nghe tiếng sôi sè sè. Những lúc như vậy, ba tôi thường kéo cần ăng ten lên và cột vào một sợi dây điện nối với một cây tre dựng cao ở góc nhà, trên ngọn cây tre là một chiếc vòng tròn đan bằng dây thép kết lại hình mạng nhện. Sóng bắt đầu trở lại âm thanh nghe tiếng được tiếng mất, ấy vậy mà cũng cứ thấy vui, thấy thích.
Trong xóm có bà cụ tuổi 90, nghe nói có tiếng người trong cái hộp nhỏ, vậy là tối đến háo hức tay xách đèn chai, tay chống gậy đến ngồi nghe rồi cúi xuống gầm bàn đảo mắt tìm, lấy gậy quơ liên tục. Mọi người hỏi bà làm gì? Bà bảo: “Cái thằng đang hát, nó trốn ở đâu, tài thiệt!”.
Nhớ nhất là mỗi buổi chiều thứ bảy, khoảng 17 giờ có chương trình truyền trực tiếp sân khấu cải lương của Đài Phát thanh Sài Gòn. Chiếc radio được để giữa sân gạch, cả xóm rủ nhau tới nghe cải lương. Tiếng thu thanh của sân khấu phát ra ồn ồn tiếng người, tiếng hát lẫn lộn, có đoạn đang cao trào xuống câu vọng cổ ngọt lịm bỗng dưng có tiếng trẻ em khóc rồi tiếng đàn nhị, vĩ cầm eo éo. Câu hát mất, lời ca lào xào, ngun ngút, vậy mà mọi người vẫn im lặng, nín thở ngồi nghe và thưởng thức trong tưởng tượng.
Chiếc đài của ba tôi được sử dụng 3 viên pin trung làm nguồn, loại pin tương đối hiếm thời bấy giờ. Những lúc hết pin, ba tôi thường lấy đinh đục vào hông viên pin, thủng vào lớp than nhét hạt muối vào rồi lấy ni lông bọc thân viên pin khỏi chảy nước, xong mới lắp vào máy. Những khi như vậy chỉ để dành nghe chương trình cần thiết khoảng vài tiếng đồng hồ là hết.
Còn một cách chế khác là dùng chiếc đĩa sành, đổ nước muối vào, viên pin được bóc hết vỏ giấy bên ngoài, đục thủng đáy viên pin và đặt đứng ngập 1/3 viên pin trong nước muối, dùng dây điện kết nối các cực âm dương liên kết những viên pin với nhau và nối vào đầu nguồn vào của máy. Pin cũng đủ dùng vài tiếng đồng hồ, để vài ngày sau pin hồi lại có thể sử dụng tiếp.
Một hôm, ba tôi đi làm xa không mang pin về kịp để mở đài nghe sân khấu truyền thanh. Anh trai tôi không biết học ở đâu đã bảo chúng tôi lật ngửa chiếc xe đạp có bình điện gắn sẵn lên, nối dây điện từ bình điện đến radio. Lũ chúng tôi phân công ngồi cầm bàn đạp… quay, quay với tốc độ vừa phải mà anh tôi đã hướng dẫn. Có lúc mỏi tay, thay ca, chiếc đài đang hát ngon lành lại tịt, vòng quay khởi lại, chiếc đài tiếp tục phát ra tiếng hát lời ca làm rộn một khoảnh sân.
Nhà dượng tôi khi ấy ở cạnh rìa ấp chiến lược, không biết ông mua hay tìm đâu ra một chiếc đài 1 bank để nghe tin tức. Những đêm radio không có cải lương, tôi thường sang nhà ông để chơi, thấy ông có chiếc tai nghe 1 bên, ông nằm trên võng tòng teng để chiếc đài trên bụng, vừa nghe ông vừa gật đầu và có khi ông lại cười, miệng lẩm bẩm “Được đấy!”. Tôi không biết ông đã nghe những gì trong đó mà vui thế. Nhân lúc ông cởi chiếc tai nghe để trên đài rồi đi ra vườn, tôi tò mò đưa vào tai nghe thử. Âm thanh phát rất mạnh, trong vắt. Cuối câu là “Đây là tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội…”. Một thời gian sau, cảnh sát đến bắt ông đi vì chính quyền ngụy cấm nghe đài phía ta. Mãi tới ngày giải phóng, ông dượng mới được về nhà.
Ngày nay, phương tiện nghe nhìn đã phổ cập rộng rãi. Cầm trên tay chiếc Smartphone chỉ cần mấy thao tác cài đặt chúng ta đã có thể tiếp sóng hàng loạt đài trong và ngoài nước. Giờ nhớ lại chiếc radio sôi rè rè, rẹt rẹt, những âm thanh quen thuộc một thời đọng bao kỷ niệm, chợt thấy vui vui.
AN SINH