Một việc làm mang giá trị nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện tỉnh ta có 13 Nghĩa trang Liệt sĩ, 4 ngôi mộ chung, 3 đền tưởng niệm và trên 30 nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sĩ, với trên 10.000 mộ chí. Các công trình ghi công liệt sĩ không chỉ là nơi an nghỉ của liệt sĩ mà còn là những công trình văn hóa, lịch sử mang đậm giá trị truyền thống giáo dục thể hệ trẻ. Và còn là nơi ghi nhận công đức của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Trong những năm qua, việc đầu tư, nâng cấp, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh mà còn được cả cộng đồng xã hội quan tâm. Việc làm này thể hiện nét đẹp nhân văn sâu sắc đến các thế hệ mai sau ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ.

 

Nghĩa trang Liệt sĩ Chư Prông đang được tu sửa, nâng cấp mở rộng. Ảnh: Đ.Y

Ngoài Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ đã được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp khang trang đưa vào sử dụng từ năm 2012 đến nay, thì phần lớn nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm, bia ghi danh các anh hùng, liệt sĩ ở các huyện, xã trên địa bàn tỉnh cũng đang tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng.

Có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Chư Prông vào những ngày cuối tháng 8, chúng tôi mới cảm nhận được hết sự thiêng liêng của mảnh đất này. Chư Prông là địa bàn chiến lược đã diễn ra những trận chiến oanh liệt của quân và dân ta. Cũng tại nơi đây, nhiều người con từ khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có những người con của Chư Prông đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Hiện tại, Nghĩa trang Liệt sĩ Chư Prông đang có 1.714 phần mộ liệt sĩ là những người con của 40 tỉnh thành trong cả nước. Nhằm ghi nhớ và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã cùng nhau đóng góp 14 tỷ đồng để tài trợ kinh phí đầu tư xây dựng, tôn tạo, tu bổ công trình Nghĩa trang Liệt sĩ Chư Prông. Chỉ một thời gian nữa thôi, các hạng mục chính, gồm: Nhà tưởng niệm có diện tích 184 m2; tháp chuông diện tích 65 m2, cao 13 mét; chuông nặng 4.000 kg; nhà bia tưởng niệm diện tích 15,2 m2 và các công trình phụ trợ sẽ được hoàn thành. Nghĩa trang Liệt sĩ Chư Prông sẽ là một địa chỉ tâm linh-văn hóa kết nối các thế hệ cha anh đi trước với thế hệ hiện tại và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.

14 năm làm quản trang ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Prông, ông Phạm Quang Trung, vui vẻ kể cho chúng tôi nghe những ngày đầu về nhận nhiệm vụ: Đó là một nghĩa trang còn đơn sơ lắm. Rồi dần dần, chính quyền và nhân dân cùng nhau đóng góp, khi thì viên gạch, khi thì cây xanh nên mới được như bây giờ. Và hơn nữa giờ đây, Nghĩa trang đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, nơi đây sẽ khang trang hơn. Gặp chúng tôi tại Nghĩa trang Liệt sĩ Chư Prông, ông Bùi Viết Hội-Chủ tịch UBND huyện, nói như khoe: Nghĩa trang được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng là niềm vui lớn cho các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong huyện. Rồi đây, huyện sẽ có một địa điểm, không gian thiêng liêng, trang trọng hơn để tưởng nhớ đến công ơn các anh hùng liệt sĩ qua các ngày lễ trọng đại của đất nước và của địa phương.

 

 

Cũng theo ghi nhận của P.V, Nghĩa trang Liệt sĩ Krông Pa cũng đang được tỉnh mở rộng, nâng cấp với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng (nguồn kinh phí do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ). Và còn tại Khu vực Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, vào đúng ngày Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Đak Pơ (24-6-1954 - 24-6-2014), bà con nhân dân trên địa bàn huyện đã vui hơn bao giờ hết. Tại đây, tỉnh ta đã làm lễ khởi công xây dựng Đền tưởng niệm Liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, nguồn kinh phí do hệ thống Ngân hàng Nhà nước tài trợ 19 tỷ đồng để xây dựng. Bên cạnh đó, hàng năm Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh, huyện, xã cũng đã trích kinh phí từ sự đóng góp của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để sửa chữa, xây mới các nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sĩ. Nhất là năm 2014 này, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh đã trích 500 triệu đồng để xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ tại xã Sơn Lang (huyện Kbang).

Được biết, phần lớn các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh ta đều được xây dựng trên những khu đất rộng rãi, thoáng mát, thiết kế trang nghiêm, có cây bóng mát, có tường bao, có người trông coi. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, cán bộ, nhân dân, các tổ chức, đoàn thể, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, các cháu thiếu niên, nhi đồng đều đến thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã đổ xương máu cho nền độc lập của nước nhà.

Tuy nhiên, qua trao đổi với lãnh đạo phòng Chính sách người có công (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện tại tỉnh ta còn 14 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân chưa được xây nhà bia ghi tên liệt sĩ. Trong khi đó, kinh phí đầu tư hàng năm của Trung ương và của tỉnh để xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ không nhiều. Vì thế, sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng xã hội với các công trình ghi công liệt sĩ là một việc làm mang đậm giá trị nhân văn, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đến với các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc của Tổ quốc và sự bình yên của nhân dân. Nơi đây còn là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc cho thế hệ mai sau.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm