(GLO)- Cuối năm, tôi về với ngoại. Được ngồi giữa căn nhà quen thuộc, dường như ngay cả tiếng mối mọt gặm gỗ, tiếng cót két của chiếc sạp tre, tiếng dế gáy vang ngoài khung cửa đều âm thầm vọng lại những tiếng thương, tiếng nhớ.
Tôi nhớ ngày xưa vào cữ này, gian bếp nhà ngoại sớm chiều bàng bạc khói tỏa. Ánh lửa liu riu hắt bóng ngoại cần mẫn sên mứt chùm ruột, mứt dừa, lụi cụi đúc bánh thuẫn, giã cốm đậu đen. Tết thực ra đã bắt đầu hiện hữu từ giữa tháng Chạp, khi những cơn bấc thổi hun hút qua khóm chuối hiên sau và từ chái bếp tỏa ra những mùi hương chỉ có sắp đến Tết mới nồng nã, sống động. Má cũng lớn lên từ gian bếp ấy. Trải qua biến động thăng trầm, ngoại chỉ còn má là người con gái duy nhất. Ngoại để lại cho má vẹn nguyên tấm lòng chi chút, nhẫn nại, đôi bàn tay một đời khéo léo vén vun. Rồi má cũng để lại cho chị vẹn nguyên những tảo tần, dường như đã trở thành bản năng của những người phụ nữ gắn đời mình vào góc quê dung dị.
Có những ngày tháng Chạp xa nhà, trong hiu hiu cơn rét cuối năm, tôi khỏa lên người dòng nước ấm mơn man khắp da thịt, miền ký ức đằm sâu như được đánh thức. Hơi ấm dịu dàng khiến tim tôi run rẩy. Tôi nhớ vành giếng tua tủa rêu xanh sau nhà ngoại. Tiếng gàu va vào thành giếng, vọng vào chiêm bao thăm thẳm khôn cùng. Ở nơi ấy, những ngày đông có nắng, má đã dịu dàng gội đầu cho ngoại. Hơi nước ấm bay lên bảng lảng hòa trong khói mờ. Đó là khung cảnh mà có lẽ suốt cả đời này tôi sẽ không thể nào nguôi nhớ. “Nhớ đến bạc đầu” như lời của má lúc khắc khoải nhắc lại những chuyện xưa. Dòng nước tắm thơm bềnh bồng cả buổi chiều tháng Chạp. Làn hương ướp vào mái tóc dài của ngoại, giờ đã ở lại trong miền dĩ vãng. Nó len lỏi vào từng nếp áo, từng ngón tay sạn chai hết mực ân cần, âu yếm của má. Phả vào cả cuộc đời của hai người mẹ quê nước da sạm màu nắng rát, gồng gánh nuôi con.
Minh họa: Huyền Trang |
Có chuyến tàu nào mong chờ hơn chuyến tàu tháng Chạp đưa tôi về với ngoại, với má, với quê xứ đơn sơ từng chiếc bát, đôi đũa. Có niềm ấm áp nào hơn khi còn được hít hà mùi dầu gió của ngoại, trong căn nhà loang lổ vệt thời gian. Căn nhà mà tôi đã thân thuộc đến cả cái tổ ong vò vẽ trên mái ngói. Có nỗi xót xa nào bằng khi nghe tiếng ho như dài hơn cả mùa đông, những buổi chiều ngoại chít khăn mỏ quạ ngồi trước hiên nhà. Người già thường sống bằng ký ức…
Và tháng Chạp chính là mùa đoàn tụ.
Tôi nhớ quê ngay cả khi bàn chân đang đứng giữa quê nhà. Ở nơi này, tôi mới thực là mình, hạt bụi vương trên áo có hồn cốt cha ông. Tháng Chạp trong những giấc mơ đôi lúc ai ải mùi rơm khô, củi mục, lại có khi thơm quay quắt mùi nước tắm cuối năm. Tôi về, muốn tự mình hái lá trong vườn, nấu nồi nước thơm gội đầu cho má, như má từng gội đầu cho ngoại những ngày xưa. Tôi muốn được ân cần xối từng ca nước ấm lên tóc má, năm ngón tay nhẹ nhàng luồn qua những sợi tóc mà sợi nào cũng đa mang nỗi đời.
Má neo đời mình vào hạnh phúc của đàn con, má thương chị tôi đường tình lận đận. Tóc má đã rụng dần theo tuổi tôi khôn lớn, theo từng mùa ngóng đợi dằng dặc, nhung nhớ mênh mông. Đêm tháng Chạp tĩnh lặng, tiếng trở mình của má va vào bóng đêm, vọng về nỗi xót xa khắc khoải. Tôi đã mang theo giấc mơ tuổi trẻ huy hoàng, rồi xa quê như bông gòn bay mãi. Để ngày về chợt nhận ra, dù có đi tới đầu non cuối bể, làm sao tôi đi hết một đêm dài của má, hun hút miền gió sương…
Tháng Chạp trong căn nhà nhỏ, má ngồi bên ngoại nhìn buổi chiều lặng lẽ trôi đi. Tất cả giông gió đã ở lại ngoài cánh cửa phủ màu năm tháng. Tôi nhìn hai mái đầu, hai chiếc bóng lặng lẽ, miệng mỉm cười mà nước mắt đã ứa ra từ khi nào. Tự hỏi lòng còn bao nhiêu buổi chiều trong đời tôi được ngắm nhìn khung cảnh ấy? Những giọt nước mắt âm thầm rơi xuống, ứa nghẹn niềm yêu thương, hạnh phúc, hàm ơn.
TRẦN VĂN THIÊN