Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

“Mùa gió về trên núi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là tên đầu sách thứ 3 của tác giả Trương Thị Chung-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Chị là một trong những cây bút trẻ sung sức ở Gia Lai. Trước “Mùa gió về trên núi”, chị đã in riêng 2 tập truyện ngắn là: “Pơ lang sẽ phủ cành” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016) và “Hạnh phúc dịu dàng” (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2021).

Cả 2 tập truyện ngắn của chị đều đạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Các tác phẩm của chị được đăng trên nhiều báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh. Năm 2022, chị là 1 trong 4 cây bút trẻ đại diện cho tỉnh Gia Lai tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X được tổ chức tại Đà Nẵng.

“Mùa gió về trên núi” khá dày dặn với 19 truyện ngắn, được sắp xếp khéo léo giúp độc giả cân bằng cảm xúc vui, buồn. Nếu ai từng đọc truyện của Trương Thị Chung thì sẽ dễ dàng nhận ra sự thay đổi về phong cách của tác giả so với 2 tập truyện trước. 19 truyện ngắn trong “Mùa gió về trên núi” đã bớt đi sự gai góc cùng những dồn nén của những thân phận mà từng chuyện, từng chuyện tiếp nối theo một nhịp điệu nhẹ nhàng, tươi sáng hơn.

Bìa sách “Mùa gió về trên núi” của tác giả Trương Thị Chung.

Bìa sách “Mùa gió về trên núi” của tác giả Trương Thị Chung.

Với chất văn giàu cảm xúc, những điểm nhấn yêu thương luôn khiến độc giả phải lắng mình suy ngẫm. “Hoàng hôn ối đỏ trên mặt sông từ ánh nắng cuối ngày trên cao rọi xuống. Đâu đó mùi hương dủ dẻ thoảng qua thơm ngọt, những bông hoa vàng bọn trẻ thả xuống sông trôi càng lúc càng xa, trôi xuống cả phía khúc sông sâu hiểm mà người làng Thiết không ai dám đến. Mặt sông lăn tăn gợn sóng, thảm hoa cứ dềnh lên dềnh xuống nhẹ nhàng như thảm voan vàng đang bồng bềnh trên gió. Đôi mắt gã hoe đỏ. Tiếng cười con trẻ gợi cho gã một nỗi nhớ khắc khoải mà chỉ trong lòng gã mới biết được” (Đóa hoa đồng nội). Và khi đắm mình vào từng câu chuyện, những yêu thương sẽ lần lượt mở ra cho người đọc. Những tình cảm gia đình đầm ấm được khơi lên một cách nhẹ nhàng trong “Bánh đúc có xương”, “Ngoại ốm”, “Mùa chưa xa”, “Nắng lên” khiến người đọc lại phải bồi hồi xúc động trước những điều nhỏ bé, thân thương đầy hoài niệm.

Nhưng không phải vì thế mà tập truyện thiếu đi điểm nhấn. “Tường vi lam” nghe qua tên thì tưởng là một chuyện ngôn tình lãng mạn, nhưng lại là câu chuyện chứa nhiều trắc trở, những giằng co về cảm xúc, về đạo đức, về tình yêu. Những đấu tranh trong tâm tưởng của một cô gái trẻ với cuộc sống khắc nghiệt, những mơ mộng về một tình yêu đẹp dần dần bị cuộc sống cuốn trôi. Những trạng huống tâm lý, những mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật được tác giả chuyển tiếp rất tinh tế khiến người đọc thấy được hết quá trình thay đổi của nhân vật. Chọn cách đồng cảm, chọn cách bước qua những vật vã ấy hay chọn cách lên án vì nhân vật không đủ nghị lực là tùy vào độc giả, bởi thông tin bỏ ngỏ sau cái chết của người mẹ đã làm cho câu chuyện trở nên đầy ám ảnh.

Tập truyện khép lại với những vệt màu rực rỡ của hoa dã quỳ khiến người đọc thở phào nhẹ nhõm, cái nhẹ nhõm của yêu thương. Bởi “Mùa gió về trên núi” đã khơi gợi mọi cung bậc cảm xúc, khiến độc giả cứ bị hút theo mạch truyện, cuốn theo nhân vật để có thể truy đến tận cùng những mong manh. Không phải câu chuyện nào cũng có cái kết mở để người ta đợi chờ, để thắp lên hy vọng, nhưng như vậy mới là cuộc sống, bởi những buồn đau đó vẫn theo dòng cảm xúc và mạch truyện tiến dần về phía trước.

Có thể bạn quan tâm