Xã hội

Gia đình

Mùa hè: Nỗi lo tai nạn thương tích trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, điện giật... liên quan đến trẻ em đã xảy ra. Vì vậy, trang bị kiến thức phòng tránh tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ, nhất là khi dịp nghỉ hè đang đến gần rất cần được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm.
Theo Ban chỉ đạo công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh Gia Lai, trong 2 năm (2017-2018), toàn tỉnh có 189 trẻ em tử vong do TNTT. Trong đó có 145 trẻ em tử vong do đuối nước, 14 trẻ em bị tai nạn giao thông, còn lại do các loại tai nạn khác. “Con số không hề nhỏ này cho thấy, nếu các bậc phụ huynh, nhà trường, xã hội không có kế hoạch học tập, vui chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ em, nhất là kỳ nghỉ hè của các em đang gần đến thì số trẻ em bị TNTT sẽ lại gia tăng”-bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban chỉ đạo công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh-chia sẻ.
Tai nạn thương tích ở trẻ có thể xảy ra tại nhiều nơi như: trên đường đi học, ở nhà, trường học, nơi công cộng, ao hồ… Nguyên nhân dẫn đến TNTT ở trẻ chủ yếu là do sự bất cẩn, chủ quan của phụ huynh, chưa ý thức được mối nguy hiểm xung quanh trẻ.
 Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
Chị Nguyễn Thị Liên (xã Kdang, huyện Đak Đoa) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ tai nạn giao thông xảy ra với con mình. Chị cho biết: Chiều 22-3-2019, 2 con trai (học lớp 6 và lớp 3) của chị đi học về rồi ra trước ngõ ở sát quốc lộ 19 để chơi đùa. Chị đang lúi húi dưới bếp nấu cơm thì bất ngờ nghe tiếng va chạm mạnh. Vội vàng chạy ra ngõ, chị thấy xe mô tô của 2 thanh niên đâm vào con trai thứ hai làm cháu ngã vật xuống đường, bị gãy chân trái, đa chấn thương đầu phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. “Tôi nghĩ, con lớn rồi, để các cháu vui chơi trước nhà cũng an toàn. Không ngờ tai họa vẫn ập đến. Chân trái cháu bị gãy đã được bó bột nhưng tôi còn lo đầu của cháu không biết có ảnh hưởng gì không vì đến giờ, cháu vẫn kêu đau lắm”-chị Liên rầu rầu nói.
Tai nạn thương tích xảy ra với trẻ em ở mỗi vùng mỗi khác. Với trẻ em sống ở khu vực đô thị thường là tai nạn giao thông, bỏng nước, điện giật, hóc dị vật. Còn trẻ em nông thôn lại thường gặp những tai nạn ngoài trời như: ngã do leo trèo cây, đuối nước khi tắm sông, suối, bị rắn cắn, ong đốt, bị thương khi phải làm các công việc quá sức để phụ giúp gia đình, bị xâm hại tình dục…  Trường hợp con chị Đinh Thị Yuih (làng Nghe Nhỏ, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) ngày hè không có người trông giữ đã bị bỏng do cháu làm đổ phích nước để cạnh tủ ti vi. Cũng may là nước trong phích còn ít nên cháu chỉ bị bỏng nhẹ. Chị Yuih cho rằng, đó là bài học nhớ đời, nhắc nhở chị phải để mắt tới con cái nhiều hơn và chú ý đến những vật dụng xung quanh nhà. Bởi lẽ, có những thứ tưởng vô hại nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ bị thương tích.
Tại hội nghị đánh giá kết quả 2 năm (2017-2018) thực hiện Quyết định số 151/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Chương trình phòng-chống TNTT trẻ em giai đoạn 2017-2020 do Ban chỉ đạo công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại dẫn đến TNTT ở trẻ em trên địa bàn tỉnh; đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này. Bà Vũ Thị Hà-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê-cho biết: Huyện Chư Sê đã thực hiện hiệu quả và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng-chống TNTT cho trẻ em”. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cùng với các phòng, ban chức năng cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh ý thức phòng-chống TNTT và đuối nước; đưa nội dung giáo dục kỹ năng phòng-chống TNTT, đuối nước vào các hoạt động của trường, lớp, Đoàn, Đội; khuyến cáo học sinh không tắm ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh và không an toàn...
Liên quan đến công tác phòng-chống TNTT cho trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an tỉnh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông Đường bộ và các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong trường học, khu dân cư. Tính riêng trong năm 2018, 2 đơn vị đã thực hiện tuyên truyền tại 417 trường học, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn với hơn 69.000 lượt người tham gia; tặng 3.250 mũ bảo hiểm (trị giá trên 487 triệu đồng) cho học sinh nông thôn. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo lồng ghép nội dung “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” trong chương trình giảng dạy môn Giáo dục công dân.
Tạo nơi vui chơi, an toàn cho trẻ trong dịp hè không chỉ là nhiệm vụ của một ngành nào mà là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Về điều này, bà Trần Thị Hoài Thanh nhấn mạnh: “Cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành tại địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện”.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm