Mùa hè sôi động “Kỹ năng sống”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa bao giờ tên các khóa học về “Kỹ năng sống” lại rộ nở tưng bừng đến như vậy qua hệ thống tỉnh, thành Đoàn, Trung tâm văn hóa Thanh thiếu nhi trên cả nước. Sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới trẻ và các bậc phụ huynh cho thấy: lối giáo dục bổ ích, thiết thực này đang đáp ứng đúng một nhu cầu bức thiết của xã hội …
Giúp trẻ sống hài hòa, tích cực
Một trong những mặt trái của nếp sống phố phường thời hiện đại, là khoảng cách ngày càng lớn về tâm lý tình cảm giữa các thế hệ, khiến một tỉ lệ không nhỏ trong lớp người trẻ tuổi rơi vào cảm giác lạc lõng cô đơn, không muốn chia sẻ vui buồn, không biết tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ người khác, ngày càng khó hòa nhập với xã hội xung quanh. Nhiều bậc cha mẹ đau khổ nhìn thấy “cục cưng” của mình ngày càng trở nên xa cách khiến mái ấm gia đình trở nên lạnh lẽo, mà không biết cách nào kéo con trở lại “từ trường” yêu thương như trước.
Vui khỏe với Học kỳ quân đội. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Còn con trẻ sau những ngày tháng chịu đựng quá nhiều sức ép từ cơ chế giáo dục không ngừng chạy theo thành tích, từ sự “chiều chuộng ngộp thở” đến “dọa nạt răn đe” đủ các kiểu của thầy cô bố mẹ, từ những chặng đường “chạy sô học thêm” toát mồ hôi cho đến việc phải nghĩ ra lắm chiêu đối phó với lối thi cử từ chương, học tủ, làm phao, quay cóp… đã hao mòn dần sự tự tin, hồn nhiên, trong sáng, mất đi niềm vui sống, ngày càng bế tắc loay hoay…
Chính lúc này, việc tổ chức nhiều khóa học về “Kỹ năng sống” (KNS) trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Chưa có mùa hè nào mà các bậc phụ huynh nhanh chóng tìm đến các tỉnh, thành Đoàn, các Trung tâm văn hóa Thanh thiếu nhi để chen nhau ghi danh cho con em mình có tên trong danh sách “Học làm người có ích”, “Học kỳ quân đội”, “Cai nghiện Game Online”, tham gia “Kỳ nghỉ thiên nhiên”, “lắp ráp rô bốt”, rồi học bơi, học phát triển năng khiếu v.v… nhộn nhịp như hè 2011 này. Và hầu hết các em, sau khi được đắm mình vào những khóa bồi dưỡng, dã ngoại, huấn luyện với các hướng dẫn viên am hiểu tâm lý, đều cảm thấy mình trở nên mạnh mẽ yêu đời, biết đồng cảm chia sẻ, biết tự chăm sóc bản thân và gần gũi thương mến hơn với cuộc sống xung quanh.
Đáng tiếc, là dù phần lớn khóa học KNS đều quá tải, vẫn còn một tỉ lệ rất lớn thanh thiếu nhi chưa từng có cơ hội để tham gia, nhất là bạn trẻ ở địa bàn nông thôn, vùng xa, nơi nghèo khó…

Vẻ đẹp của nhân cách và sự tự tin

Tổng hợp theo khái niệm của UNESCO (Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc)  và WHO (Tổ chức y tế thế giới), thì “Kỹ năng sống” (KNS) là năng lực mỗi cá nhân cần có để tạo được cho mình một lối sống an toàn, khoẻ mạnh, tích cực, hài hòa với cộng đồng xã hội. Năm 2007, báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi nhan sắc đặc biệt mang tên “Hoa hậu thế giới người Việt” lần thứ I.  Đặc biệt, vì lần đầu tiên các thiếu nữ xinh đẹp gốc Việt tham gia dự thi cùng tìm về cội nguồn từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Học bơi mùa hè. Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Là thành viên Ban tổ chức cuộc thi, tôi thích thú nhận ra sự khác biệt khá rõ nét của hầu hết thí sinh dự cuộc thi Hoa hậu này với đa số thí sinh các cuộc thi “Hoa hậu nội địa” khác. Không hơn kém nhiều về dung nhan và dáng vóc. Nhưng với tri thức dày dặn, phong thái tự tin và nhất là kỹ năng sinh hoạt phong phú, những thí sinh mang “quốc tịch lạ” như tỏa ra xung quanh làn gió mát thật ngọt ngào hương sắc.
Đêm hoa đăng lộng lẫy tại Vinpearl Resort Nha Trang, ngồi trò chuyện với nhóm người đẹp về từ các châu lục, trong đó có Ngô Phương Lan- thiếu nữ sắp giành được vương miện vào đêm thi chung kết, tôi ngạc nhiên hỏi vì sao một số bạn rời đất nước chưa lâu, chưa đến chục năm, vẫn kịp tự trang bị cho mình khả năng sử dụng trôi chảy đến 2-3 sinh ngữ và kỹ năng sống độc lập mạnh mẽ như vậy? Các cô cười thoải mái, cho biết “ở bên kia” từ cấp học phổ thông, chúng em đã được tự chọn học những môn mình ưa thích, được đi nhiều, trải nghiệm nhiều, và hoàn toàn không phải chịu sức ép kiểu “gạo bài lấy điểm”, kiểm tra thi cử nặng nề như các bạn Việt Nam. Ở đó, ngoại ngữ nào cũng được dạy với tinh thần không phải để học trò thi lấy bằng nọ bằng kia, mà để trở thành công cụ đầu tiên giúp các em nhìn ra thế giới.
Nghe những người đẹp nói, tôi hiểu điều gì đã tạo nên sức hấp dẫn thú vị nơi họ, và thầm mong đội ngũ “thí sinh nội địa” sau này cũng sẽ được hưởng một nền giáo dục thiết thực văn minh, chú trọng đúng mức về  kỹ năng sống, như thế!
Không chỉ là 20 triệu đồng mỗi giờ giảng…
Anh Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, người đầu tiên Việt hóa và du nhập chương trình “Học kỳ quân đội” về từ Mỹ, người đang rất “đắt sô” mời đi giảng bài về “Kỹ năng sống” ở nhiều tỉnh thành, từng nhận “cátsê khủng” trên dưới 20 triệu đồng cho mỗi giờ giảng tại một số trung tâm lớn cho tôi biết một chi tiết đủ chứng minh sức hấp dẫn của HKQĐ: Khoảng 60 công ty, nhóm người ở nhiều nơi đã và đang giả mạo tổ chức nhiều khóa HKQĐ với các kiểu chiêu sinh na ná, bởi các khóa HKQĐ dù học phí khá đắt, dao động từ 3-5 triệu đồng/khóa 10 ngày do các tỉnh, thành Đoàn mở đều quá tải, cung không đáp ứng nổi cầu.
Sinh năm 1974 tại Đà Nẵng, học sinh giỏi Vật lý Nguyễn Thành Nhân sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải lại rẽ qua làm cán bộ Đoàn chuyên nghiệp, từng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của T.Ư Đoàn, Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ...
Thời còn là trưởng ban quốc tế của Thành đoàn TP.HCM, có điều kiện đi nước ngoài nhiều, anh Nhân nhận ra thế giới có nhiều loại hình ngoại khóa rất hữu ích cho lớp trẻ mà HS-SV Việt Nam chưa được biết đến. Điều đó thôi thúc anh tìm tòi, Việt hóa các phương pháp giáo dục kỹ năng sống mang về áp dụng, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, tạo môi trường rèn luyện nhân cách, bản lĩnh cho giới trẻ. Trung ương Đoàn đã tin cậy giao nhiệm vụ cho Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tiên phong phối hợp với các lực lượng liên quan nhanh chóng nhân rộng các mô hình đào tạo KNS rộng khắp 63 tỉnh thành. Nhằm giảm học phí các khóa KNS, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo bạn trẻ muốn tham gia, Trung tâm đang hướng tới việc đào tạo đội ngũ điều phối viên chuyên nghiệp, xây dựng trang web www.hockiquandoi.com, cập nhật giáo trình huấn luyện, tìm nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các tổ chức quốc tế để không ngừng du nhập về nhiều chương trình KNS hay hơn, mới hơn...
Hoàng Thiên Nga

Có thể bạn quan tâm