Thời sự - Bình luận

Mức lương "quỵ ngã" và câu trả lời là "sẽ" của bộ trưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói ông “day dứt” khi lương của những người nghỉ hưu trước 1993 rất thấp. Đúng là 3 triệu thì không hiểu sống bằng gì, sống kiểu gì. Nhưng đó chưa phải là mức lương “quỵ ngã” duy nhất.

"Tôi thấy ý chí của Bộ trưởng đưa ra không rõ. Sẽ đề xuất, đề xuất lúc nào? Còn lại bao nhiêu người!"- câu tranh luận của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong phiên chất vấn trước QH
"Tôi thấy ý chí của Bộ trưởng đưa ra không rõ. Sẽ đề xuất, đề xuất lúc nào? Còn lại bao nhiêu người!"- câu tranh luận của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong phiên chất vấn trước QH


Sau 37 năm cống hiến với cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân, và đến khi nghỉ hưu với “tấm thân già cỗi, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khan”, cô Lan đã quỵ ngã khi cầm quyết định nghỉ hưu với số tiền lương 1,3 triệu đồng/tháng.

Cô Lan khóc. Cả tập thể giáo viên nhà trường cũng khóc. Khóc vì không biết động viên cô thế nào. Khóc, vì cám cảnh khi đó cũng chính là tương lai của các cô. Và khóc, vì không thể trả lời câu hỏi “sẽ sống sao đây?”.

Trong phiên chất vấn nghị trường, một mức lương “quỵ ngã” khác được đưa ra: Mức lương đang rất thấp của những người nghỉ hưu trước 1993.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sau đó lý giải lương thấp là vì đa phần số này có thời gian hưởng lương trước đây thấp. 60% nghỉ hưu sớm. Còn lại 1/3 là trong lực lượng vũ trang.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh từ 2008 đã “12 lần điều chỉnh mức lương hưu theo mức cao hơn bình quân”, tuy nhiên, mức lương hưu hiện vẫn rất thấp. Cao nhất là 8 triệu/người và thấp nhất là 3 triệu/người/tháng.

3 triệu đồng một tháng, có khi còn chưa đủ bù đắp chi phí y tế cho những người già yếu. Một mức lương đúng là “quỵ ngã”.

Nguyên nhân thì bao giờ chẳng có. Nhưng dẫu bất cứ nguyên nhân gì thì đó cũng không bao giờ là lý do để chúng ta chấp nhận một bộ phận dân cư không biết “sẽ sống sao đây”.

Cũng như “day dứt” chưa bao giờ là một câu trả lời.

Huống chi, nói như ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, những người nghỉ hưu trước 1993 cống hiến cả tuổi thanh xuân, đa số tham gia kháng chiến, sống trong thời kỳ kinh tế rất khó khăn. Kể cả việc họ nghỉ sớm cũng thế, là do thực hiện chính sách của Nhà nước, của Chính phủ để tinh gọn bộ máy…Và giờ, cống hiến lớn nhưng thiệt thòi cũng quá nhiều.

1993. Vậy là gần 20 năm đã qua.

20 năm, cho một thiệt thòi vô lý.

20 năm, cho “còn lại bao nhiêu người”.

20 năm, và hôm qua, là câu trả lời của Bộ trưởng, rằng sẽ giải quyết căn bản khi chính sách tiền lương như thế này như thế khác.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm hôm qua đã nói trước nghị trường thế này: Tôi thấy ý chí của Bộ trưởng đưa ra không rõ. Sẽ đề xuất, đề xuất lúc nào? Còn lại bao nhiêu người!

Bà Tâm nói đúng. Người làm chính sách không thể khắc phục một thực tế không thể chấp nhận nổi, tồn tại suốt 20 năm bằng một từ “sẽ”.

Còn phải tồn tại bao lâu với mức lương quỵ ngã để chờ chữ “sẽ” của bộ trưởng?

Còn bao nhiêu người sẽ chờ cho đến khi chữ “sẽ” đó thành hiện thực?

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/muc-luong-quy-nga-va-cau-tra-loi-la-se-cua-bo-truong-852625.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm