Đây đã là nghị định thứ 3 được ban hành trong 9 năm qua để thực hiện Nghị quyết 39 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Sau nhiều thời gian chật vật, hết năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành, vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% trong giai đoạn 7 năm mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 39.
Tính đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015. Cả hệ thống chính trị tới năm 2022 có hơn 2,8 triệu biên chế, giảm hơn 762.800 biên chế (tương đương 20,9%) so với thời điểm 2015.
Nhưng mục tiêu vẫn ở phía trước. Kết luận 40 ngày 18.7.2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 tiếp tục đặt ra yêu cầu: toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Chưa kể, công tác tinh giản biên chế thời gian qua dù đạt chỉ tiêu về số lượng, nhưng chưa gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm được Nghị quyết 39 đặt ra. Chất lượng đội ngũ vẫn là vấn đề lớn nhất cần giải quyết nhất là khi tình trạng sợ sai, né tránh, đùn đẩy, không làm trong cán bộ chưa bao giờ nhức nhối như vừa qua.
Đây là những mục tiêu không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh quan hệ kinh tế và cách vận hành của các thiết chế xã hội có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19 cũng như biến động của tình hình thế giới. Chỉ trong 2,5 năm (1.1.2020 - 30.6.2022) đã có gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc, bằng hơn 1 nửa số biên chế tinh giản được trong cả giai đoạn 2015 - 2021 theo các nghị định của Chính phủ (theo Bộ Nội vụ là hơn 79.000 - PV), mà không cần bất cứ chính sách khuyến khích hay cưỡng chế nào.
Nghị định 29 sắp có hiệu lực, ngoài bổ sung các chính sách hấp dẫn hơn trong việc thực hiện tinh giản biên chế đã có nhiều điểm mới trong việc xác định đối tượng tinh giản. Trong đó, đáng chú ý là Nghị định 29 đã bổ sung 2 nhóm đối tượng tinh giản biên chế là: cán bộ công chức được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ trở xuống và tự nguyện tinh giản biên chế.
Đây có thể là cơ chế để loại trừ loại cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp về", luôn luôn nằm trong đa số hoàn thành nhiệm vụ, song lại chẳng đóng góp bao nhiêu cho sự phát triển chung; thậm chí là chính những cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ sai né tránh trách nhiệm, gây ách tắc công việc chung.
Điều này, cùng với việc phân quyền mạnh hơn, là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị có thể bổ sung những người thay thế có năng lực hơn. Bởi xét đến cùng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống chính trị mới là mục tiêu cao nhất của tinh giản biên chế.