Thời sự - Bình luận

Mũi tiêm trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một người bạn hỏi tôi: “Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại không?”. Dù không phải là bác sĩ hay nhân viên y tế, nhưng tôi vẫn khuyên nên tiêm nhắc lại nếu có điều kiện, bởi đó là hành động cần thiết và trách nhiệm để bảo vệ chính bản thân mình, bảo vệ cộng đồng.
 

Nên tiêm nhắc lại nếu có điều kiện, bởi đó là hành động cần thiết và trách nhiệm để bảo vệ chính bản thân mình, bảo vệ cộng đồng
Nên tiêm nhắc lại nếu có điều kiện, bởi đó là hành động cần thiết và trách nhiệm để bảo vệ chính bản thân mình, bảo vệ cộng đồng.


Tính đến ngày 26-6, cả nước đã tiêm được 226,7 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19 và đang bước vào giai đoạn nước rút của Tháng cao điểm tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, số người 18 tuổi trở lên được tiêm mũi vaccine thứ 3 và 4 vẫn còn khá thấp, chỉ hơn 54,5 triệu người tiêm mũi 3 và mũi nhắc lại (mũi 4) là gần 15 triệu người.

Trong khi đó, số vaccine Bộ Y tế tiếp nhận hiện nay đủ để sử dụng tiêm cho người dân trong tháng 6-2022. Hà Nội và TPHCM là 2 thành phố lọt vào tốp 10 địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, với 17,3 triệu mũi tiêm/hơn 12 triệu dân tại Hà Nội và 21,1 triệu mũi tiêm/hơn 14,6 triệu dân tại TPHCM.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia y tế, phần lớn người dân đã tiêm 2 mũi vaccine, sau khi mắc Covid-19 và bình phục thì có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin rõ ràng về tác dụng phụ của vaccine; số ca mắc trên địa bàn rất ít, triệu chứng nhẹ, đa phần người dân tự điều trị khỏi; ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa học sinh đã nghỉ hè nên việc vận động học sinh tiêm vaccine gặp khó khăn…, dẫn đến tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương còn chậm, một số nơi từ chối nhận hoặc đề nghị trả lại vaccine đã được phân bổ trước đó.

Sau hơn 2 năm ứng phó với dịch Covid-19, nhờ những thành công của các chiến dịch tiêm chủng, cả nước đã chủ động thích ứng tốt với những làn sóng dịch và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Mặc dù đến thời điểm này Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng, do tỷ lệ bao phủ vaccine cao, nhưng theo khuyến cáo của ngành y tế, virus gây Covid-19 liên tục biến chủng, người dân vẫn cần tiêm vaccine nhắc lại để hạn chế các ca mắc mới hoặc tái nhiễm, tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng. Điều này cũng được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai thực hiện.

Virus SARS-CoV-2 liên tục biến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể cũng như mức độ tăng nặng, tử vong. Trải qua nhiều biến thể nổi trội như Alpha, Delta, nay Omicron vẫn chiếm ưu thế và đang là biến thể phổ biến trên thế giới, nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.

Việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến số ca mắc có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Hơn nữa, miễn dịch có được do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải đều không bền vững, do đó rất khó trong dự báo dịch. Do đó, vaccine tiếp tục được xem là “vũ khí chiến lược” quyết định nền tảng trong phòng chống Covid-19.

Tiêm vaccine không phải là bắt buộc, tuy nhiên ngành y tế khuyến khích việc tiêm vaccine đối với tất cả người dân. Đó là trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, nhất là trong bối cảnh Covid-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine vẫn rất cần thiết trong việc bảo vệ con người khỏi những diễn biến khó lường của dịch.

Theo THÀNH AN (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm