Thời sự - Bình luận

Muốn Đảng trong sạch, cán bộ phải thanh liêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác”-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ XII của Đảng. Thật vậy, Đảng muốn trong sạch vững mạnh thì phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đảng viên. Cán bộ làm công tác ấy phải thực sự thanh liêm.  
 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. (Ảnh nguồn NDĐT)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ XII của Đảng. (Ảnh nguồn NDĐT)

Hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn lấy công tác kiểm tra, giám sát làm phương thuốc giữ mình. Tự nguyện gia nhập và tự nguyện chấp hành kỷ luật Đảng là cách để mỗi đảng viên chung tay xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh, đủ sức vượt qua những thử thách cam go của lịch sử, hoàn thành xuất sắc vai trò của một Đảng cầm quyền, đưa đất nước, dân tộc bước một bước dài từ thân phận nô lệ trở thành dân tộc tự do, đất nước độc lập, hòa bình, phát triển không ngừng và ngày càng có vị thế trên trường quốc tế.

Có thể nói, trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã phát huy tối đa vai trò trong việc giúp Đảng thanh lọc ra khỏi hàng ngũ những phần tử thoái hóa, biến chất, tham nhũng. Hơn 1.000 tổ chức Đảng, hơn 70.000 đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo cấp cao, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và nghỉ hưu bị kỷ luật trong nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với những người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đó là không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; gương mẫu trong cuộc sống; thực sự công tâm, khách quan trong xử lý công việc.

Kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã khó; đưa những sai phạm của họ ra ánh sáng, buộc họ phải chịu kỷ luật Đảng, chịu sự trừng trị của pháp luật lại càng khó hơn. Không có dũng khí, không có bản lĩnh thì cán bộ kiểm tra không thể làm được. Muốn thể hiện được dũng khí của người cầm trong tay “thượng phương bảo kiếm” của Đảng thì người cầm kiếm phải thực sự trong sạch, không tì vết, phải chiến thắng bản thân, không quỵ ngã trước sự cám dỗ của tiền tài, lợi lộc; không bị quyền lực mê hoặc làm cho tâm trí dao động, ngậm miệng ăn tiền, bỏ qua sai phạm của người bị kiểm tra.

Không phải ngẫu nhiên mà trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực. Nói điều ấy là vì đã có một thời gian dài, chúng ta cũng có đủ ban bệ, cũng phát động, triển khai, tổng kết rút kinh nghiệm nhưng nhìn lại cả nhiệm kỳ, không thấy có mấy “con cá lớn” sa lưới pháp luật. Trong khi dư luận râm ran, đơn từ khiếu nại, tố cáo cán bộ sai phạm chỗ này chỗ kia không hề ít thì những bản kết luận thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương dường như không có gì nghiêm trọng!

Thế nên mới có chuyện đoàn thanh tra chống tham nhũng của Bộ Xây dựng lại đi vòi vĩnh và bị bắt quả tang tại tỉnh Vĩnh Phúc; Vụ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa tống tiền doanh nghiệp; hay việc ông Hồ Văn Năm-Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai bị kỷ luật… Điều đó cho thấy, lời kêu gọi chống tham nhũng tiêu cực ngay trong cơ quan chống tham nhũng là có cơ sở. Nếu những người được pháp luật giao cho “thanh bảo kiếm” để làm công tác kiểm tra, chống tham nhũng mà lại vi phạm pháp luật, tham nhũng thì rõ ràng sẽ phản tác dụng, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Vì vậy, muốn thực sự xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng thì người cầm kiếm phải trong sáng ngay từ tư tưởng, tâm hồn, bản lĩnh; phải là những tấm gương về đạo đức, lối sống; công chính, nghiêm minh trong xử lý công việc, thực sự là người gác cửa tin cậy cho Đảng trong việc gìn giữ sự trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên, đặc biệt là với cán bộ, đảng viên nắm giữ vị trí cao cấp trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời thường xuyên quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Bác nói: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”; “Công tác kiểm tra góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, tổ chức”. Bài học ấy đã được chứng minh qua thực tiễn 90 năm lãnh đạo đất nước của Đảng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Đảng muốn trong sạch vững mạnh thì phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đảng viên; cán bộ kiểm tra phải thực bản lĩnh, thanh liêm.

 ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm