Phóng sự - Ký sự

Muôn kiểu phá rừng - Bài 2: Cổ thụ về xuôi, rừng chảy máu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vài năm trở lại đây, ở nước ta rộ lên thú chơi cây cảnh cổ thụ được khai thác từ rừng. Ban đầu, đây chỉ là trào lưu nhỏ lẻ của một bộ phận người đam mê cây cảnh, nhưng dần dần nó đã lan rộng trở thành “cơn lốc” triệt hạ, cưỡng bức cây rừng ở khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ.  
 


Những cuộc đào bới, triệt hạ cây rừng bắt đầu từ nương rẫy, dần tấn công cả vào rừng phòng hộ. Rừng bị tàn sát khiến lũ lụt gia tăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại kêu khó vì pháp luật còn nhiều kẽ hở.

Rầm rộ vào rừng săn cổ thụ

Nhờ sự giúp đỡ của một “thổ địa” ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), chúng tôi được anh K., một thợ săn cây nghiệp dư xứ Đồng Phó, Tây Giang nhận lời đưa đi thâm nhập vào giới săn, buôn cây rừng làm cảnh. Anh K. cho biết, “phường săn” bonsai rừng ở xứ Đồng Phó này chủ yếu cung ứng hàng giá bình dân cho đầu nậu ở vùng An Nhơn, Phù Cát, Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

 


Ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng đào bới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái phép các loài cây có nguồn gốc từ tự nhiên. Tương tự, tại tỉnh Phú Yên, từ lâu đã không cấp phép cho các hộ gia đình, cá nhân khai thác tận dụng cây rừng trên đất nương rẫy để làm cảnh, ngăn chặn tình trạng đào bứng cây rừng làm cảnh.

Trào lưu săn lùng bonsai rừng rộ lên ở huyện Tây Sơn khoảng 2 năm trở lại đây, mạnh nhất tại 2 xã Tây Thuận, Tây Giang. Trước kia, nhiều người chỉ chơi các loại cây bonsai rừng, như: cây sanh, lộc vừng, duối và một số loại cây có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, gần đây, “phường săn” đã chuyển qua cây bằng lăng. “Bây giờ giới ăn chơi, đại gia chuộng nhất là cây bằng lăng. Các đầu nậu cây cảnh ở miền xuôi lên đây săn lùng bằng lăng rồi trả với giá cao nên rất cuốn hút người dân đi đào bới”, anh K. nói.

Ở vùng rừng núi các huyện Vân Canh, Phù Cát, An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ (Bình Định), chúng tôi bắt gặp nhan nhản cảnh người dân đào cây rừng về bán. Vùng rừng núi các xã Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hiệp và khu vực núi Bà (thuộc huyện Phù Cát) cũng đang là điểm nóng của nạn đào cây rừng tự nhiên. Người dân nơi đây chủ yếu đào các loại cây như: bằng lăng, duối, bông trang, sim, trắc… Kể cả vùng ven biển, người ta cũng đang đổ xô đi đào bới cây tự nhiên về bán cho các đầu nậu. Theo hướng dẫn của anh K., chúng tôi tìm gặp tay buôn bonsai rừng có tiếng tên Sự ở xã Tây Thuận. Gặp chúng tôi, Sự chào hàng: “Trong nghề thì anh biết đấy, đối với bằng lăng chỉ vùng rừng núi Tây Sơn này mới có hàng độc. Các anh muốn đặt hàng gì, tôi cũng có, kể cả cây bằng lăng loại cổ thụ có đường kính lớn, chỉ cần đặt cọc trước, tôi sẽ tìm hàng, trong vài ngày là có…”.

Men theo quốc lộ 1A, chúng tôi ngược ra thị xã An Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ (Bình Định). Dọc bên đường, hàng loạt khu đất rộng bày bán hàng chục ngàn cây rừng tự nhiên đủ chủng loại, dáng thế. Ở đây được mệnh danh là khu chợ bonsai rừng, cây cảnh các loại lớn bậc nhất miền Trung. Những cây bày bán có đường kính rất lớn, tán cao, nhánh và ngọn đều bị cắt cụt, dưới lớp da chồi lá đang mọc dần. Nhập vai người mua cây cảnh chở ra các tỉnh phía Bắc kiếm lời, chúng tôi ghé vào một vựa cây cảnh lớn. Thấy tôi, một người đàn ông trạc 40 tuổi sà tới giới thiệu tên Việt, chuyên cung ứng cây cảnh, bonsai rừng các loại. Việt chào hàng: “Tôi vừa mới mua được 1 phôi (cây đã đào) khế thuộc hàng độc nhất vô nhị. Khế này, tôi mua tại cội giá đến 80 triệu đồng, nếu các anh thích, tôi sẽ để rẻ 120 triệu đồng”. Rồi Việt đưa hình ảnh, clip quảng bá hàng. Việt trấn an thêm: “Bây giờ, việc làm giấy tờ nguồn gốc cây rừng và cả cây tự nhiên rất thông thoáng, dễ hơn nhiều so với trước đây”.

Tại một cửa hàng bonsai rừng khác, trưng bày hàng trăm cây bonsai cổ thụ, trong đó có hàng chục cây bằng lăng loại đường kính lớn, được hét giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Chủ cửa hàng tên Hạnh (trạc 47 tuổi), khoe hôm rồi mới bán được 1 lô hàng bằng lăng ra Thái Nguyên, Hà Nội với giá hàng trăm triệu. Ngoài ra, anh cũng vừa tìm được mối ngon xuất bán thêm 4 cây bằng lăng có giá từ 150 - 200 triệu đồng. “Hàng của tôi được mua ở các vùng núi trong tỉnh Bình Định, cũng có một số ở Tây Nguyên, giấy tờ đầy đủ hết”, Hạnh nói.

Ngược lên Bắc Tây Nguyên, chúng tôi tiếp xúc với một ông chủ vườn cây cảnh (xin giấu tên) ở Gia Lai. Người này kể, trong vườn có nhiều cây cổ thụ nhưng tất cả đều có giấy tờ đầy đủ. Ông này bật mí, cây rừng nếu muốn đưa về vườn hay chở bán trên đường mà không bị cơ quan chức năng bắt, xử phạt thì phải tìm cách thay đổi “hộ khẩu” cho cây.

 

Mua bán cây rừng cổ thụ dọc quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định Ảnh: NGỌC OAI


Hiểu một cách đơn giản là “phù phép” cho cây rừng thành cây vườn. Muốn như vậy, cần phải làm một bộ hồ sơ mua đúng cây vườn nhà để làm “bình phong” và xoay vòng sử dụng sau này. Bộ hồ sơ này gồm hợp đồng mua bán cây vườn, bảng kê khai lâm sản và biên bản xác minh của địa phương. Các giấy tờ này đều là các bản rời, riêng bản kê khai lâm sản do chủ sở hữu khai và tự ký. Khi cây có nguồn gốc từ vườn này được chở đi bán, chủ cây vẫn giữ lại biên bản xác minh và hợp đồng mua cây, còn bỏ tờ khai lâm sản đi. Sau này, nếu muốn hợp thức hóa cây rừng nào thì chỉ cần tự làm tờ khai bản kê lâm sản mới và ký, rồi kẹp với biên bản xác minh cùng hợp đồng mua bán cây cũ thì cây rừng đó đã có bộ “áo khoác mới” là cây vườn.

Người này cũng cho rằng, nếu vận chuyển cây đi xa, qua các chốt trạm kiểm lâm, người trực phải đóng dấu đã kiểm tra cây và ghi vào sổ theo dõi. Khi đã đóng dấu thì bộ hồ sơ đó về sau sẽ không sử dụng được, vì thế chủ cây tìm đủ cách để không bị đóng dấu vào hồ sơ đó, hòng sử dụng xoay vòng.

Địa phương kêu khó xử lý!

Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định Huỳnh Ngọc Bảo, hành vi đào cây rừng tự nhiên về làm cảnh là một hình thức khai thác rừng trái phép đã bị nghiêm cấm theo Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn nhất là việc truy xuất hồ sơ nguồn gốc lâm sản. Trước đây, theo Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định các đối tượng cây tự nhiên còn sót lại ở các nương rẫy đã có sổ đỏ, muốn sử dụng khai thác, buôn bán hợp pháp thì phải có sự giám sát, xác nhận của kiểm lâm địa bàn, UBND xã, người dân và cộng đồng khu dân cư rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đến tháng 11-2018, Bộ NN-PTNT có Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT lại “tháo gỡ” sự giám sát, vai trò xác nhận, tham mưu của kiểm lâm nên việc xác nhận nguồn gốc lâm sản được nới lỏng. Hiện việc khai thác cây có nguồn gốc từ tự nhiên, cây trùng tên với các loại cây trong rừng thì 2 bên người mua và người bán tự làm bản kê với nhau là có thể vận chuyển, buôn bán hợp pháp.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phù Cát (Bình Định) Phạm Lộc thông tin thêm, từ khi Bộ NN-PTNT có Thông tư 27 thì xảy ra hiện tượng các bên lợi dụng sơ hở, tự thỏa thuận để làm giấy tờ nguồn gốc lâm sản. Không chỉ nạn đào cây tự nhiên, cây rừng làm cảnh mà các đối tượng khai thác gỗ rừng cũng lợi dụng Thông tư 27 này để luồn lách rất phức tạp. Thậm chí có đối tượng lợi dụng vào rừng khai thác cây, rồi sau đó liên hệ với người dân có đất rẫy có sổ đỏ làm hồ sơ, giấy tờ để được buôn bán, vận chuyển hợp pháp. “Việc đi truy xuất nguồn gốc rất khó khăn, họ khai báo đào cây ở địa phương khác, mình cũng rất khó đi xác minh, truy xuất, các ngành chức năng và Bộ NN-PTNT cần có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, chứ giờ chung chung, thông thoáng quá rất khó cho lực lượng thi hành”, ông Lộc nêu.

Ngoài ra, theo tìm hiểu, quá trình giao đất rừng cho người dân, ngành chức năng đã có quy định nghiêm cấm việc khai thác những cây trùng tên với rừng tự nhiên. Tuy nhiên, sau này khi phong trào cây cảnh phát triển, kèm theo việc phân định 3 loại rừng, người dân lại lợi dụng để khai thác, buôn bán cây tự nhiên. Do quá trình giao đất không rõ ràng nên việc truy xuất nguồn gốc lâm sản, cây rừng tự nhiên cũng không thể tách bạch, xác lập quyền sở hữu của Nhà nước được.

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) Trần Đức Đại, việc khai thác cây rừng về làm cây cảnh không chỉ tàn phá rừng mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường. Hiện nay, cơ quan chức năng đã triển khai biện pháp ngăn chặn rất quyết liệt. Đối với cơ chế xử lý người vi phạm, luật đã có đầy đủ. Cái khó khăn thực sự trong việc quản lý khai thác cây rừng là tình trạng thiếu về nhân lực, biên chế cho lực lượng kiểm lâm còn mỏng.



Bài 3: Nhùng nhằng chuyển giao dự án
 

Trào lưu “đưa rừng xuống phố”

Cổ thụ rừng được thu mua để đưa về các đô thị phía Nam, thậm chí ra tận phía Bắc để trồng trong các nhà vườn, biệt thự, nhà hàng, khu du lịch... Từ những loại dân dã như sung, thị, sanh, lộc vừng, đến những cây có nguồn gien quý như bằng lăng, giáng hương, trắc; tùy theo chủng loại, đường kính, thế dáng mà mỗi cây có giá từ vài triệu đến vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng.


Theo NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm