Phóng sự - Ký sự

Đời du cư - Bài 4: Đi xây... giấc mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những người thợ hồ rời quê lên TP.HCM để mưu sinh, nuôi dưỡng giấc mơ về tương lai tốt đẹp, khấm khá hơn cho con cái. Cuộc sống vất vả của họ gắn liền với lán, trại và nắng mưa...

Những đội thợ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, nhưng đa số là các tỉnh miền Tây như Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu… Họ chọn TP.HCM làm nơi mưu sinh, gắn bó với nghề xây dựng từ tuổi đôi mươi. Mỗi công trình, họ lưu lại từ 4 tháng đến 2 năm.

Vì tương lai của con

Chúng tôi đến thăm các công nhân xây dựng vào một buổi chiều cuối tháng 9. Những ngày ấy, TP.HCM thường có mưa, nên chỗ ở của các công nhân luôn ẩm ướt và ngập úng. Tại khu lán trại nằm cạnh đường Đồng Văn Cống (ở P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức), chỉ có vài công nhân, còn lại đều ra công trường.

Anh Nghiệm làm nghề thợ hồ, ngủ lán trại 3 năm nay. ẢNH: UYỂN NHI
Anh Nghiệm làm nghề thợ hồ, ngủ lán trại 3 năm nay. ẢNH: UYỂN NHI

Ngồi lọt thỏm giữa khu lán trại là anh Lê Văn Nghiệm (39 tuổi, quê Bạc Liêu) với vẻ mặt khắc khổ, dáng người nhỏ bé. Sau ca làm việc, anh ngồi nghỉ mệt, tranh thủ gọi điện thoại về cho gia đình.

Chỗ ở của anh Nghiệm rộng chừng 12 m2, được dựng tạm bợ bằng những mảnh tôn mỏng, mái che bằng các tấm bạt, còn nền được lát bằng ván. Dưới sàn, rác thải vứt bừa bộn. Ở trong lán chỉ có vài bộ quần áo lao động đã sờn vai, bạc màu và ướt sũng vì mưa. Kế bên là khu bếp nhỏ, có vài chiếc nồi treo lủng lẳng dùng để nấu nướng. Lán trại của anh Nghiệm có 6 người sinh sống, đều là thợ hồ và cùng quê.

Lán trại của anh Nghiệm rộng khoảng 12 mét vuông, được dựng tạm bợ bằng những mảnh tôn mỏng
Lán trại của anh Nghiệm rộng khoảng 12 mét vuông, được dựng tạm bợ bằng những mảnh tôn mỏng

Hồi trước, anh Nghiệm làm công nhân của công ty sản xuất giày da (ở TP.Thủ Đức). Dịch Covid-19 bùng phát, đơn hàng không có nhiều nên anh thất nghiệp. Anh chuyển về quê nuôi tôm, cá… nhưng mùa vụ thất bát, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu.

Không có tiền nuôi con nên 3 năm trước anh Nghiệm đành khăn gói lên thành phố xin làm thợ hồ và gắn với cuộc đời du cư từ đó.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nghiệm tự hào cho biết vợ chồng anh có 2 đứa con ở nhà, đều ngoan ngoãn. Con trai lớn của anh chuẩn bị vào lớp 1, còn con gái nhỏ mới được 3 tuổi. Anh khoe tháng vừa rồi anh làm được 10 triệu đồng tiền công, chắt chiu gửi về nhà cho vợ con 8 triệu đồng.

Để có tiền nuôi con ăn học, anh Nghiệm chắt bóp chi tiêu, ăn uống dè sẻn. Mỗi ngày, anh tự đi chợ, hạn chế ăn thịt cá để tiết kiệm tiền.

Chúng tôi hỏi anh Nghiệm có tính thuê trọ để đỡ khổ hơn không? Anh lắc đầu, chắc mẩm "Không!", rồi anh tâm sự: "Ở đây trời mưa thì ướt như chuột lột từ trong ra ngoài, có lúc ngập tới bắp chân, đồ đạc phải kê lên cao. Nhiều khi gió lớn quật bay cả mái nhà. Còn mùa nắng, nằm trong lán như lò lửa, không thở nổi. Đành chấp nhận thôi, phải gắng làm mà lo cho con".

"Đi theo công trình quanh năm suốt tháng như vậy thì có buồn không?". Anh Nghiệm trầm ngâm một lúc rồi buồn bã cho hay: "Nhiều khi ở đây cũng buồn lắm, xa vợ con, nhớ lắm mà chỉ biết gọi điện thoại nói chuyện thôi. Nhiều khi nhớ quá thì chạy xe máy gần 300 km về thăm gia đình. Tôi không biết lúc nào về quê hẳn nữa. Chắc là khi nào mình làm hết nổi, hoặc nuôi con cái ăn học đàng hoàng, trưởng thành mới dám về".

Trời chuyển tối, cơn mưa cũng dần ngớt. Ánh đèn từ những tòa nhà cao tầng lấp lánh phía xa xa. Vẻ mệt mỏi, phờ phạc hiện rõ trên mặt những tốp người lê bước chân nặng trĩu về những căn nhà tạm xập xệ sau một ngày lao động vất vả.

Cha ra công trình, con vào giảng đường

Cách lán trại của anh Nghiệm không xa là "nhà" của ông Lê Văn Lăm (51 tuổi, quê ở H.Gò Quao, Kiên Giang). Gọi là "nhà" cho sang, thực chất đó chỉ là lán trại tạm bợ, được dựng trong vòng 2 ngày. Mái nhà có vài chỗ được trám bằng keo silicone màu trắng và nhựa mica để tạm che các lỗ tôn thủng. Căn nhà xiêu vẹo dường như có thể đổ bất cứ lúc nào.

Ước mơ lớn nhất của ông Lăm là con cái có tương lai tươi sáng. ẢNH: UYỂN NHI
Ước mơ lớn nhất của ông Lăm là con cái có tương lai tươi sáng. ẢNH: UYỂN NHI

Ông Lăm với nước da đen rắn rỏi, tay chân chi chít sẹo, ngồi đu đưa trên võng, ánh mắt đượm buồn nhìn xa xăm. Cạnh bên là cây nhang muỗi cháy dở.

Thấy tôi đến, ông Lăm ngại ngùng chỉ xuống bậc thềm trước nhà mời chúng tôi ngồi. Căn nhà nhỏ hẹp càng khiến không khí thêm hầm hập, bí bách. Mồ hôi lấm tấm rịn đầy trên trán ông Lăm. "Sao anh không bật quạt cho bớt nóng và đuổi muỗi đi?", tôi hỏi. Ông Lăm liền đáp: "Tôi đốt nhang muỗi cho đỡ. Xài điện, nước của chủ thầu nên không dám bật quạt, tôi sợ tốn điện của người ta".

Ông Lăm nhẩm tính, 5 năm gắn bó với nghề thợ hồ cũng là 5 - 7 lần ông chuyển lán. Cứ 3 - 4 tháng xong một công trình là các công nhân sẽ dỡ lán cũ và dựng lại lán trại mới. Nếu chủ thầu lãnh công trình gần, công nhân có thể ở lại lán cũ lâu hơn, có khi cả năm.

Trước đây, ông Lăm làm nông ở quê, nhưng đất ruộng ít ỏi, không đủ tiền nuôi con ăn học, ông đành lên TP.HCM "kiếm sở mần". Làm phụ hồ ở công trường, trung bình ông kiếm được 12 - 13 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt cá nhân, mỗi tháng ông tiết kiệm được 9 triệu đồng. Còn vợ ông ở nhà làm ruộng phụ gia đình.

Người thợ hồ xốc vác 51 tuổi này nghĩ rằng thất học cũng đồng nghĩa với chuyện khó thoát khỏi cảnh đói nghèo. Lên TP.HCM, ông Lăm mang theo giấc mơ đại học của con. Ông Lăm có 3 người con. Con lớn 28 tuổi, con trai giữa từng học tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM, mới ra trường được 2 năm, còn con trai út mới thi đậu đại học ngành Quản trị kinh doanh.

"Người ta có học vấn, chữ nghĩa mới có cơ hội đổi nghề. Còn mình thì nông dân chân chất làm gì có cơ hội đó. Giờ nuôi hai đứa con lớn học xong đại học, cũng đỡ áp lực. Nhưng còn đứa út, tôi vẫn cố gắng để nó học hành đến nơi đến chốn, hy vọng tương lai nó sẽ tươi sáng hơn, chứ làm thợ hồ cực khổ lắm", ông Lăm trải lòng.

Kham khổ nhiều, nguy hiểm cũng lắm nhưng khi chúng tôi hỏi tính chừng nào về quê hẳn thì ông Lăm lắc đầu, ngậm ngùi nói: "Thỉnh thoảng ở quê có đám tiệc, công chuyện tôi mới về. Một lần về quê, tiền đi lại, quà cáp đủ thứ. Ở đây buồn nhưng mà mình quen rồi. Mệt thì về coi điện thoại chút cho đỡ buồn rồi đi ngủ. Chừng nào lo cho đứa út học xong xuôi, mình tiết kiệm được chút đỉnh lỡ có ốm đau, bệnh tật cũng không làm gánh nặng cho con, lúc đó mới dám về. Chứ bây giờ về quê không biết lấy gì mà sống".

Câu hỏi của chúng tôi "nghe nhẹ tênh", nhưng ít ai trả lời được. Họ luôn tâm niệm chỉ cần cố gắng làm việc và lo cho con cái ăn học đàng hoàng xong thì mới dám bỏ nghề. Và cứ thế, cuộc sống lầm lũi, lang bạt nay đây mai đó nối tiếp từ ngày này qua năm khác như cột chặt vào những phận đời du cư.

(còn tiếp)

Theo Uyển Nhi (TNO)

Có thể bạn quan tâm