Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

1logo-8718.jpg

Ông Chinh và bà Chỉnh cùng lớn lên ở làng Nun, xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Những năm phơi phới thanh xuân, cả hai luôn bị thôi thúc bởi tiếng gọi vì miền Nam ruột thịt.

Bà Chỉnh-người chị cả trong gia đình có 5 người vẫn chưa thể quên những tháng ngày khốn khó nhưng đầy hào hùng ấy. Lớp lớp thanh niên theo lời kêu gọi “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” vì miền Nam, quyết tâm thống nhất đất nước. Nhìn thanh niên trai tráng trong làng từng người, từng người xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, những nữ sinh như bà Chỉnh cũng không khỏi háo hức, mong chờ tới ngày được gọi tên.

Vậy nên, năm 1968, cô thiếu nữ tuổi 17 của làng Nun ngay sau khi học xong lớp 7/10 đã tạm gác lại ước mơ con chữ để đăng ký vào thanh niên xung phong. “Hồi ấy, tôi ham học lắm, luôn ước mơ trở thành cô giáo. Tôi cũng rất thích trở thành thanh niên xung phong vì được đi đầu, được ra tiền tuyến. Trong làng, nhiều chị em cũng rủ nhau đi nên khí thế rộn ràng, hừng hực, ai cũng mong góp sức bảo vệ quê hương”-bà Chỉnh thổ lộ.

Bà Chỉnh được biên chế về Đoàn 559 với nhiệm vụ mở đường nơi “tuyến lửa”. Những chuyến hành quân băng rừng hàng tháng trời khiến đôi chân các cô gái rớm máu. Càng ngày, những bước chân càng đưa họ tiến vào những cánh rừng sâu hun hút. Bà Chỉnh cùng đồng đội đã trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu ở Mặt trận Đường 9-Nam Lào năm 1971 với nhiệm vụ “xẻ dọc Trường Sơn”.

Hàng ngày, những cô gái mở đường như bà Chỉnh với cuốc xẻng hăng say xúc đất đá, chặt cây dọn đường cho xe qua. Đôi tay phồng rộp lúc nào không hay. Những bữa ăn vội vã với củ mì, củ mài, rau rừng, lương khô kéo dài đằng đẵng ngày này qua tháng khác.

Đặc biệt, họ thường xuyên phải đối mặt với mưa bom bão đạn của quân địch. Chúng tập trung hỏa lực nhằm chặn bước tiến của bộ đội chủ lực bằng cách nhắm vào những mũi tiến công giữa núi rừng Trường Sơn mà thanh niên xung phong mở đường. Đơn vị của bà Chỉnh do đó phải làm việc bí mật với phương châm “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bà Chỉnh vẫn còn ám ảnh âm thanh của máy bay địch vần vũ trên những tán cây. Khi nghe tiếng ù ù của máy bay, bầu trời như tối sầm lại, lực lượng thanh niên xung phong vội vã vào hầm trú ẩn. Khi tiếng gầm rú, bom đạn xé trời tạm lắng, họ lập tức rời khỏi nơi ẩn nấp, nhanh chóng triển khai đội hình san lấp hố bom, thông đường cho các đoàn xe của ta di chuyển.

Bà Chỉnh hồi nhớ: “Có lần bất ngờ bom nổ ngay phía trước khiến tôi ngã quỵ, đất đá tung tóe. May mắn là tôi không bị thương. Nhưng không phải ai cũng thoát hiểm mãi như thế. Đồng đội tôi không ít người trúng bom bị thương, thậm chí mãi mãi nằm lại giữa núi rừng. Chúng tôi phải chôn cất sơ sài rồi nén đau thương để tiếp tục nhiệm vụ. Phải có mặt ở chiến trường thời điểm ấy mới quý trọng cuộc sống của mình như thế nào”.

Sau chiến dịch Đường 9-Nam Lào, bà Chỉnh trở về quê hương và đem lòng yêu thương ông Chinh. Đầu năm 1972, ông nhận lệnh nhập ngũ nhưng bà Chỉnh vẫn quyết định tổ chức đám cưới. Dù vừa ở tiền tuyến trở về, bà hiểu hơn ai hết lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết nhưng vẫn quyết định đi đến hôn nhân với người chuẩn bị ra trận. Giữa năm 1972, ông Chinh lên đường vào miền Nam khi bà Chỉnh mang thai con đầu lòng.

Ông Chinh tâm sự: “Chia tay gia đình trong hoàn cảnh ấy, lòng tôi quyến luyến và bứt rứt vô cùng. Vợ mới cưới, con chưa chào đời, bản thân cũng chưa kịp báo hiếu cha mẹ dù là con lớn trong nhà. Mẹ tôi khóc vì lo lắng, bởi thời điểm này, thanh niên tại địa phương lên đường thực hiện nghĩa vụ nhiều, có người bị thương, người hy sinh. Còn cha tôi thì lại động viên, cổ vũ tinh thần. Cũng bởi, ông từng là người lính tham gia kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, tôi quyết tâm đi theo tiếng gọi của Tổ quốc”.

2vn-1357.jpg
Cả 2 ông bà đã được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến với những đóng góp của mình. Ảnh: Văn Ngọc

Khi hành quân đến địa phận tỉnh Quảng Trị, ông Chinh nhận được tin báo vợ đã sinh hạ con trai đầu lòng, đặt tên là Lê Đức Chính. Hay tin, ông vỡ òa sung sướng. Niềm vui ấy giúp ông thêm vững vàng tay súng.

Thời gian đầu, mỗi khi đơn vị dừng chân tại các binh trạm, ông tranh thủ viết thư về cho gia đình. Những dòng chữ viết vội gửi gắm biết bao tình cảm của người lính nơi tuyến đầu về cho gia đình, vợ con ở hậu phương. Những lá thư nhiều khi mất hàng tháng trời mới có thể đến tay người thân quê nhà, trong số đó, không ít lá thư bị thất lạc.

Đó là những tháng ngày bà Chỉnh vò võ đợi chồng trong xiết bao lo âu. Đã từng chứng kiến đau thương, mất mát ngay trước mắt mình nên bà Chỉnh hiểu rõ số phận của những người lính nơi trận mạc. Tối đến, bà ôm con mà nước mắt cứ lăn dài. Thế nhưng, trong trái tim mình, bà vẫn không thôi hy vọng tới ngày chiến thắng, ngày ông Chinh trở về.

Bà Chỉnh nghẹn ngào chia sẻ: “Thời ấy, cả làng đều ngóng trông tin tức từ chiến trường nhưng không được bao nhiêu, có lúc bặt vô âm tín. Thư từ ngày càng ít dần, có khi 2 năm mới nhận được thư của chồng và cũng là thư cũ. Vậy nên, tôi biết rằng các anh đã vào trận đánh lớn.

Mỗi lúc xã thông báo có giấy báo tử từ miền Nam chuyển về, tim tôi thon thót nỗi sợ hãi. Cũng có tin đơn vị anh hy sinh rất nhiều khiến tôi hoang mang vô cùng. Đến ngày giải phóng miền Nam, tôi cũng không biết chồng mình còn sống hay không. Cái cảm giác chờ đợi ấy tôi không thể nào quên được”.

Sau khi được điều chuyển qua nhiều đơn vị, ông Chinh về công tác tại Đoàn 559 với nhiệm vụ vận lương tải đạn theo các đơn vị chủ lực. Đơn vị ông hành quân liên tục theo nhiệm vụ chiến lược từ Lào đến Việt Nam. Có thời gian, đơn vị phải ém quân ở các binh trạm trong điều kiện vô cùng gian khó. Bom đạn liên miên, cơm không đủ ăn, thường xuyên phải đào củ mài, hái rau rừng để lấp cái bụng trống. Nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất là những cơn sốt rét hành hạ.

“Giữa chốn rừng thiêng nước độc, bộ đội bị sốt rét rất nhiều nhưng thuốc thang lại vô cùng khan hiếm. Khi đóng ở binh trạm tại Attapeu (Lào), tôi tưởng chừng cũng không qua khỏi bởi trận sốt rét khiến chân tay rã rời, lạnh toát, nhiều ngày mê man. Không ít đồng đội của tôi gặp phải sốt rét ác tính đã không qua khỏi.

Phải nhận những đau thương, mất mát như thế nhưng khi hay tin thắng lợi, chúng tôi lại hừng hực khí thế làm việc với niềm tin giải phóng miền Nam, trở về với gia đình”-ông Chinh bộc bạch.

Anh Lê Đức Chính-con trai ông Lê Đức Chinh: “Tôi vẫn nhớ như in ngày bố tôi trở về. Vừa thấy một người mặc quần áo bộ đội bước vào nhà, mẹ tôi òa khóc. Mẹ nói với tôi, đó là bố. Vì còn nhỏ nên tôi thấy người lạ thì chạy đi chỗ khác. Sau này, khi hiểu về câu chuyện của cha mẹ mình, tôi thấy thật tự hào vì ông bà đã góp một phần công sức cho đất nước. Khi vào Gia Lai sinh sống, bố tôi cũng thường xuyên có những buổi nói chuyện với các em học sinh về truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, cũng như lý tưởng, hoài bão của thế hệ trẻ để cống hiến, góp sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Vượt qua những trận sốt rét quái ác, ông Chinh cùng đồng đội tiếp tục tham gia những trận đánh lớn mang ý nghĩa quyết định. Người lính làng Nun còn nhớ như in trận đánh vào Sân bay Hòa Bình, góp phần làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột hào hùng trong những ngày tháng 3-1975 lịch sử.

2 giờ sáng 10-3-1975, bộ đội chủ lực chia làm nhiều mũi tấn công áp sát sân bay. Đây là cứ điểm địch bố trí nhiều hỏa lực bởi tính chất chiến lược. Địch ở trong các lỗ châu mai bắn đạn ra tua tủa, máy báy địch thì ném bom xối xả, quân ta thương vong khá nhiều. Ông Chinh khi ấy được giao nhiệm vụ tiếp đạn vừa vận chuyển thương binh lui về hậu phương.

“Giữa làn đạn chi chít trên đầu, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng như sợi tóc. Tôi quá may mắn trong trận đánh ấy trong khi nhiều đồng đội ngã xuống lúc chiến thắng đã cận kề. Sau đó, chúng tôi tiếp tục tiến vào Sài Gòn.

2 năm sau ngày đất nước thống nhất, tôi được xuất ngũ trở về địa phương, gia đình vỡ òa hạnh phúc ôm nhau mà khóc. Con trai tôi năm ấy 5 tuổi, thấy người lạ thì chạy trốn. Trở về quê nhà với những người ruột thịt khi đất nước hòa bình mà không sao kìm được nước mắt”-ông Chinh nghẹn ngào.

2logo-7722.jpg

Có thể bạn quan tâm