Xã hội

Gia đình

Mứt Tết nhà làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không khí Tết đã bắt đầu tràn vào phố với những tấp nập bán mua. Cũng như mọi năm, các quầy hàng bánh kẹo, mứt Tết đã được bày bán. Mứt Tết là một thức quà truyền thống, không bao giờ mất đi cho dù cuộc sống có hiện đại đến đâu. Và mứt Tết nhà làm hiện là mặt hàng đang được nhiều người lựa chọn.

 

Chị Nguyễn Bảo Vy (54B Lý Nam Đế, TP. Pleiku) là người chuyên làm mứt dừa, mứt gừng cung cấp cho nhiều đầu mối ở Pleiku. Chị cho hay, với mứt dừa, từng công đoạn như lựa dừa (dừa bánh tẻ, không quá già, cũng không quá non), nạy dừa, xắt sợi, ướp đường, xay nước màu từ các loại lá, củ… cho đến sên mứt, tất cả đều được chị và người nhà làm thủ công rất cẩn thận. Mứt gừng chị làm cũng rất công phu, không chỉ đơn giản là gừng và đường mà còn cho thêm mật ong, chanh đào vào rim cùng để tạo nên hương vị thật hấp dẫn. “Tuy lời lãi ít đi một chút nhưng nghĩ đến sức khỏe người tiêu dùng nên vấn đề chất lượng luôn được mình đặt lên hàng đầu”-chị Vy chia sẻ. Vì vậy, gần 10 năm qua, nhờ người này giới thiệu người kia nên cứ đến đầu tháng Chạp hàng năm là bếp nhà chị đỏ lửa cả ngày. Chị Vy cùng 2 người phụ giúp mỗi ngày cho ra lò hơn 30 kg mứt dừa và mứt gừng.

  Nhiều người làm mứt thủ công để bán dịp Tết. Ảnh: V.M.H
Nhiều người làm mứt thủ công để bán dịp Tết. Ảnh: V.M.H



Còn chị Hoàng Thị Thủy (176/70 Âu Cơ, TP. Pleiku) lại chọn món mứt vỏ bưởi để tạo nên “thương hiệu” riêng. Loại mứt này có tác dụng long đờm, chữa ho, trị cảm và đặc biệt rất hiệu quả trong việc giảm cân. Để có đủ số lượng vỏ bưởi làm mứt cung cấp cho thị trường, mỗi ngày chị phải đi khắp thành phố mua vỏ bưởi từ các hàng bán trái cây, sau đó gọt bỏ hết phần cùi trắng, bóp muối rửa lại nhiều lần cho sạch và đem luộc sơ để lọc bớt tinh dầu. Xong các công đoạn này, chị đem vỏ bưởi ngâm với đường khoảng 7 giờ, sau đó sên thành mứt. Mứt vỏ bưởi có vị ngọt thanh, the the thơm nhẹ làm cho người ăn cảm thấy tỉnh táo và sảng khoái. Ngoài mứt vỏ bưởi, chị Thủy còn làm mứt vỏ quýt. 2 loại mứt này chị làm quanh năm, có khách đặt là làm nhưng dịp Tết là nhiều nhất. Mỗi mùa Tết, chị làm khoảng 10 kg bán cho người quen.

Bên cạnh những dịch vụ làm bánh mứt ngày Tết đảm bảo chất lượng thì nhiều chị em vẫn duy trì thói quen làm mứt Tết. Chị Phạm Thị Ngọc (tổ 6, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho rằng, làm bánh mứt là cách giữ gìn truyền thống tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền. Vậy nên, dù bận bịu đến đâu thì chị cũng cố gắng dành ra vài ngày cuối năm làm đầy đủ các loại mứt như: bí, dừa, cà rốt, khoai lang. Ngoài làm mứt cho gia đình, chị còn làm biếu tặng người thân và bạn bè. Chị Ngọc chia sẻ: “Khi làm bánh mứt, tôi luôn nghĩ về bố mẹ và những ngày tuổi thơ. Nhìn khay bánh mứt ngày Tết đủ màu sắc, tôi lại liên tưởng đến mỗi thành viên trong gia đình. Dù mỗi người một tính nết khác nhau, dù có đi đâu xa nhưng dịp Tết lại thì sum vầy vui vẻ”.

 VÕ MINH HẠNH
 

Có thể bạn quan tâm