Mưu sinh với bánh ống nổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nguyên liệu chính là gạo, bắp và cách chế biến đơn giản, bánh ống nổ được ưa thích bởi sự bình dị, gần gũi, gắn với ký ức tuổi thơ. Vì vậy, nhiều người “sống khỏe” nhờ nghề làm bánh ống lưu động.
Dọc theo tuyến đường Trường Sơn, đoạn gần ngã tư Biển Hồ hay một số vùng ngoại ô của TP. Pleiku, chúng ta hay gặp những đầu máy nổ bánh ống. Đã nhiều năm gắn bó với nghề bánh ống, chị Lê Thị Liên (trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề này đã hơn 3 năm nay. Ngoài làm tại nhà, tôi còn làm lưu động. Mỗi ngày tôi bán khoảng 30-40 bịch bánh đã đóng gói sẵn với giá 10.000 đồng/bịch. Nếu khách đem nguyên liệu tới thì tôi tính công 10.000 đồng/kg, mỗi ngày cũng kiếm được 500-600 ngàn đồng. Thấy công việc cũng có thu nhập ổn định nên vợ chồng tôi đầu tư thêm dụng cụ, đồ nghề để làm bánh nhanh hơn”.
Một điểm bán bánh ống nổ tại đường Trường Sơn (phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh: R.H
Một điểm bán bánh ống nổ tại đường Trường Sơn (phường Yên Thế, TP. Pleiku). Ảnh: R.H
Bánh ống có dạng ống tròn, bên trong rỗng, được cắt thành từng đoạn 20-25 cm. Bánh được làm tùy theo khẩu vị của mỗi người: bánh bắp, bánh nếp than trộn ca cao, gạo trắng trộn đậu phộng, dừa khô, đậu xanh, khoai lang... và thêm ít bột màu thực phẩm. Mùi thơm hòa quyện từ các loại thực phẩm cộng với màu sắc bắt mắt tạo nên vị ngon đặc trưng của bánh ống nổ. Chị Hồ Thị Lan (trú tại tổ 13, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết: “Thấy có máy nổ bánh ống đi qua nên tôi liền đem 4,5 kg gạo với ít đậu phộng, mè, đường trắng đã trộn sẵn đến chỗ chị Liên để làm bánh ống. Với tôi, bánh ống khá ngon, hợp khẩu vị và nhất là gợi cho tôi nhiều kỷ niệm tuổi thơ”.
Đi về vùng phía Đông Nam tỉnh cũng thường gặp vợ chồng ông Hà Thừa (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) làm bánh ống lưu động. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Thừa kể: “Gia đình đông con nên từ nhỏ tôi đã lam lũ mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Trước kia, tôi vào TP. Hồ Chí Minh buôn bán lặt vặt rồi dành dụm được ít tiền trở về đây làm nghề bánh ống, thấy thu nhập cũng tạm ổn”. Ông Thừa chia sẻ thêm: “Làm nghề này quan trọng là chịu khó di chuyển. Tôi bán mỗi bịch bánh giá 10.000 đồng, còn ai tự đem nguyên liệu đến nổ thuê thì tôi lấy công 10.000 đồng/kg. Dịp gần Tết, có ngày tôi nổ gần 2 tạ gạo, còn ngày thường chỉ tầm 30-40 kg, trung bình mỗi ngày cũng thu được 400-500 ngàn đồng”. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề làm bánh ống, ông Thừa cho rằng, điều quan trọng nhất để tạo nên bánh ngon là thiết bị, dụng cụ, trục quay nghiền gạo phải đều, sạch sẽ.
Bà Huỳnh Thị Hồng-tiểu thương tại chợ thị xã Ayun Pa-cho hay: “Hôm nay thấy vợ chồng ông Thừa qua đây nên tôi mua luôn 100 bịch bánh bắp và bánh gạo để bán lại kiếm lời. Bánh của ông Thừa làm rất ngon, ăn vừa miệng nên tôi thường mua chỗ họ”. Còn em Ksor Sai (huyện Ia Pa) cũng vui vẻ nói: “Em rất thích ăn bánh này vì nó ngon lại rẻ, chỉ cần 10.000 đồng là em có bánh nổ cùng chia với bạn bè”.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm