Năm học 2018-2019: Tiếp tục đổi mới, sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kết thúc năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tặng bằng khen cho ngành GD-ĐT Gia Lai vì đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Vinh dự này đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn đối với ngành trong năm học mới. 
Nhiều kết quả nổi bật 
“Năm học 2017-2018 kết thúc với nhiều thành tích vượt trội khiến thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh chúng tôi rất vui mừng. 7 năm liền giữ vững con số 100% học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp THPT; nhiều học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 và lần đầu tiên có học sinh tham dự kỳ thi này ở cấp quốc gia. Đặc biệt, độ chênh lệch điểm trung bình môn lớp 12 và điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT của học sinh đứng đầu toàn tỉnh với 0,12% phản ánh  rõ thực lực học tập của học sinh dân tộc thiểu số tại trường... Điều đó cũng cho thấy sự nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường trong môi trường giáo dục chuyên biệt”-thầy Võ Thành Nguyên-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh-đúc kết.
Thư viện xanh tiếp tục được đẩy mạnh trong năm học 2018-2019. Ảnh: N.G
Nhìn nhận trên phương diện chung, Sở GD-ĐT đã tổ chức tốt các kỳ thi như: kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT; kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT; kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 THCS; kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Ngành cũng tổ chức thành công cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học với 51/70 dự án đạt giải cấp tỉnh, 4/6 dự án đạt giải cấp quốc gia và 1 dự án đạt giải nhất được Bộ GD-ĐT chọn đi dự thi quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ. Công tác tổ chức thi THPT Quốc gia năm 2018 được đánh giá nghiêm túc, đúng quy chế; kết quả thi phản ánh đúng với tình hình thực tế của địa phương, không có hiện tượng bất thường. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trên toàn tỉnh đạt 95,55%, tăng 2,66% so với năm 2017. Công tác tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên đảm bảo khách quan công bằng.
Ngoài ra, năm học 2017-2018, ngành cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở GD-ĐT-nhìn nhận: “Trong thời đại công nghệ thông tin 4.0, GD-ĐT không thể đứng ngoài cuộc. Sở đã xây dựng kho bài giảng E-Learning trực tuyến đáp ứng nhu cầu tự học và học tập suốt đời của người học, thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo có chất lượng của người học giữa các vùng, miền. Đến nay, 100% trường THPT và 95,5% trường THCS đã sử dụng sổ điểm SMAS. Đặc biệt, năm học vừa qua, Sở triển khai đề án “Giáo dục thông minh” trên toàn tỉnh, triển khai hệ thống Cổng thông tin điện tử liên thông toàn ngành và xây dựng hệ thống học tập trực tuyến cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giúp giáo viên, học sinh sử dụng thí nghiệm ảo vào các giờ học Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ…”.
Tiếp tục đổi mới, sáng tạo

Kết thúc năm học 2017-2018, UBND tỉnh tặng cờ thi đua cho 2 Phòng GD-ĐT: thị xã Ayun Pa, huyện Chư Pah; các trường THPT: Anh Hùng Núp (Kbang), Trần Quốc Tuấn (Phú Thiện), Lê Hoàn (Đức Cơ); tặng bằng khen cho 2 Phòng GD-ĐT: huyện Krông Pa, Đak Đoa; và các trường THPT: Lương Thế Vinh (Kbang), Trần Hưng Đạo (Mang Yang), Nguyễn Tất Thành (Ia Pa), Phạm Hồng Thái (Chư Pah) và Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku).

Năm học 2018-2019, cơ sở vật chất, trang-thiết bị đảm bảo cho công tác dạy-học được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, hệ thống trường, lớp bậc Tiểu học vẫn còn nhiều điểm lẻ, địa bàn rộng; việc sáp nhập trường, lớp và chuyển đổi một số trường đủ điều kiện thành trường phổ thông dân tộc bán trú còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%, công tác duy trì sĩ số còn gặp khó. Giáo viên nhiều nơi còn thiếu để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày gây hạn chế trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cũng như chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình sách giáo khoa mới...
Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Để khắc phục khó khăn và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh đầu cấp tăng cao, toàn ngành tập trung thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, phù hợp với địa bàn dân cư và phát triển kinh tế-xã hội các vùng trong tỉnh. Tăng cường đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tăng cường thí nghiệm, thực hành, dạy học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo theo chương trình, sách giáo khoa mới. Sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học hiện đại. Tất cả nhằm thực hiện mục tiêu 70% trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020...”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm