Thời sự - Bình luận

Năm mới tuyên chiến với rác và chung tay bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau thời khắc giao thừa, người dân rời phố đi bộ Hồ Gươm trở về nhà, để lại những "núi" rác ngay trên vỉa hè và dưới lòng đường.
Người ta xả rác đầy trên phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Hải Danh
Người ta xả rác đầy trên phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Hải Danh

Gánh nặng những núi rác đó đổ lên vai những công nhân vệ sinh đã vất vả suốt cả những ngày trước Tết. Bạn Ngô Mỹ Tâm, Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: "Vừa mới đón giao thừa xong, nhìn thấy những đống rác như vậy rất phản cảm. Mình đi vui Tết nhưng nếu cứ xả rác như vậy sẽ khiến các công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc đến muộn mà không được về với gia đình".

Vui chơi nhưng phải nghĩ đến người lao động nhọc nhằn, để tự ý thức bỏ đi thói quen xả rác của mình, đó là nhân văn, là văn minh. Nhưng đáng tiếc là nhiều người không làm được điều đó, nhất là các bạn trẻ.

Ở TPHCM cũng vậy, cứ sau một sự kiện tập trung đông người như giao thừa Tết Tây, Tết Nguyên Đán, là phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Bạch Đằng ngập rác. Công nhân vệ sinh dọn thâu đêm đến sáng chưa xong.

Chúng ta quá vô tâm với những công nhân vệ sinh, họ cũng mong được về nhà sớm, đón Tết cùng gia đình.

Đương nhiên khi tập trung đông người vui chơi đón Tết thì sẽ thải ra môi trường lượng rác nhiều hơn bình thường. Nhưng nếu mỗi người đều có ý thức không xả rác, thì cảnh quan môi trường sẽ khác.

Ý thức đó là, mỗi người mang theo túi đựng rác, ăn uống xong bỏ vào túi, sau đó bỏ vào thùng rác, hoặc cầm theo về nhà.

Ý thức đó là, sau sự kiện, mọi người cùng tham gia dọn rác, mỗi người một tay, thì sẽ trả lại cảnh quan đường phố sạch đẹp như ban đầu.

Việc này không khó, vì có nơi đã làm được, không nói Nhật, Hàn, Singapore đâu xa mà ngay tại Việt Nam. Đó là sau những sự kiện countdown tại Huế, các bạn trẻ đều tình nguyện ở lại nhặt rác, hoạt động này trở nên bình thường, là một nét đẹp trong giới trẻ.

Không chỉ tuyên chiến với nạn xả rác sau những sự kiện tập trung đông người, mà với tình trạng xả rác hiện nay. Mỗi người dân cùng nâng cao ý thức, không xả rác bừa bãi, cùng tham gia các hoạt động dọn rác, trồng cây xanh, đặc biệt là các bạn trẻ.

Hãy xem việc dọn rác, không xả rác là trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân.

Việt Nam không thể trở thành đất nước phát triển khi chúng ta đứng cách xa với các chuẩn mực văn minh, trong đó có bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Việt Nam không thể phát triển du lịch khi rác ngập đường và môi trường ô nhiễm.

LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm