Nạn số đề len lỏi vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chơi bài bạc dưới hình thức đánh số đề lâu nay đã trở thành vấn nạn nhức nhối dù ngành chức năng chưa thể triệt tận gốc. Tại Gia Lai, tệ nạn này không chỉ tồn tại ở thành thị mà đã len lỏi vào tận một số xã vùng sâu, vùng xa gây mất trật tự an toàn xã hội, phát sinh khiếu nại, kiện tụng ở nông thôn.Có tiền… sinh tậtXã Hbông vốn là một xã thuần nông, còn nhiều khó khăn của huyện Chư Sê. Những năm gần đây, nhờ được sự quan tâm đầu tư đồng bộ của Nhà nước nên diện mạo nông thôn đã dần khởi sắc, kinh tế và đời sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Tuy vậy, khi đời sống được nâng lên thì mặt trái là nhiều tệ nạn xã hội nảy sinh. Gần đây nhất nổi lên nạn số đề và những chuyện khiếu nại, khiếu kiện cũng từ đó phát sinh gây mất trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn. 
Vợ chồng ông Lê Công Thành. Ảnh: Như Nguyện
Vợ chồng ông Lê Công Thành. Ảnh: Như Nguyện
Trên chuyến xe của hãng Tấn Tài từ TP. Pleiku về thị xã Ayun Pa sáng 18-11, tôi may mắn ngồi cạnh ông Thảo (công tác tại Công ty Xi măng Gia Lai)- người có cùng hành trình như tôi (tức không xuống thị xã Ayun Pa mà chỉ đến xã Hbông-huyện Chư Sê). May mắn hơn, ông cũng coi như là “thổ địa” vùng này vì từ năm 1982 đã định cư tại làng Kueng, xã Hbông, huyện Chư Sê cho đến nay. Sau những chuyện vòng vo, tôi đi thẳng vào vấn nạn số đề trên địa bàn xã. Ông cho biết: “Mấy năm trước làm gì có nhưng nay thì nạn số đề đã và đang vươn “vòi bạch tuộc” vào tận hang cùng ngõ hẻm. Không chỉ người Kinh mà đồng bào dân tộc thiểu số cũng đánh đề nhiều lắm. Ngày trước làm ra tiền khó nhưng nay đi làm cỏ cà phê, hái tiêu, nhổ mì một ngày tiền công cũng được hơn 100 ngàn đồng. Nhiều người có tiền thành ra sinh tật, nghe lời dụ dỗ và lao vào đề đóm…”.  
Câu chuyện kết thúc khi xe đến xã Hbông. Chia tay ông Thảo, tôi về nhà vợ chồng bà Dương Thị Đành và Lê Công Thành- một trong những nạn nhân của nạn số đề, ở làng Kte 1, xã Hbông. Tiếp tôi là một người đàn ông gầy gò, dáng vẻ khắc khổ. Cũng vì nghe lời dụ dỗ chơi số đề mà ông Thành đã khiến gia đình bị liên lụy. Ông kể: Từ đầu năm 2010,  nghe lời dụ dỗ chơi đề dễ phát tài (vì một ăn bảy mươi) ông giấu gia đình, bắt đầu chơi đề. Ban đầu chơi có tiền thì trả hết, sau hết tiền thì chủ đề “hào phóng” cho chơi nợ để gỡ. Nhưng đánh hoài đánh mãi chẳng thấy trừ được đồng nợ nào mà tiền nợ lại ngày một nhiều hơn. Ông bắt đầu hối hận và cuối năm 2010 thì nghỉ chơi. Tuy nhiên, ngoài số tiền thua đề trước đó thì số nợ đánh đề lên đến 15 triệu đồng nên ông Thành bị ép ký giấy nợ và cũng từ sự việc này mà ông và vợ là bà Dương Thị Đành đã nhiều lần bị hành hung. Tiền mất, tật mangTrong đơn gửi Báo Gia Lai cũng như trình bày lại sự việc với phóng viên sáng 18-11, bà Dương Thị Đành (vợ ông Thành) bức xúc: Ổng chơi đề tôi hoàn toàn không biết, đến khi biết thì đã trở thành nạn nhân của những trận đòn thù. Vào khoảng 19 giờ ngày 31-1-2011, ông Trần Vũ (làm ở tổ tự quản xã) và vợ là bà Lê Thị Phi Kim trú tại làng Đek, xã Hbông đến nhà và hỏi chồng tôi đi đâu. Tưởng người quen đến chơi, tôi trả lời ổng say rượu và đi ngủ rồi thì vợ chồng Vũ-Kim xông vào buồng và đánh chồng tôi. Tôi chạy vào kêu la thì vợ chồng Vũ-Kim dùng cây le và bình xịt hơi cay đánh vào đầu, đùi; khi thấy tôi gục ngã thì Vũ-Kim bỏ đi. Sự việc này có hai vợ chồng cô chú hàng xóm Đức-Hà chứng kiến nhưng sợ nên không dám can ngăn.2 ngày sau, vào khoảng 9 giờ ngày 2-2-2011, bà Kim cùng chị là bà Kiều và ông Hùng (chồng bà Kiều) đến nhà tôi. Biết chồng tôi không có nhà nên họ đã đánh tôi, có cô Hoàng Thị Hà (hàng xóm) có mặt tại nhà tôi lúc đó chứng kiến và can ngăn nhưng họ vẫn không tha. Sau sự việc, tôi được cô Hà chở đi trình báo lại với ông Phạm Minh Hùng- Trưởng Công an xã Hbông nhưng đến nay vẫn chẳng thấy xử lý gì. Đến ngày 25-7-2011, trong lúc tôi đi vắng chỉ có chồng và con gái là Lê Thị Tiền (14 tuổi) ở nhà thì bà Kim, Kiều và hai người nữa xông vào nhà ngang nhiên giật chìa khóa và lấy chiếc xe máy mang BKS 37K5-1726 cùng với một chiếc tủ lạnh của nhà tôi đi mất. Bà Hoàng Thị Hà- giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, xã Hbông là hàng xóm và cũng là người chứng kiến bà Đành bị đánh và cảnh “người ta” khiêng xe máy và tủ lạnh của nhà bà Đành đi, cho biết: Ngày 2-2-2011 (tức 30 Tết Tân Mão), tôi ngồi ở nhà bà Đành và chứng kiến cảnh bà Đành bị bà Kim và bà Kiều đánh (ông Hùng có mặt nhưng không tham gia). Họ đánh bà Đành trong nhà rồi sau đó túm tóc lôi ra sân, tôi can ngăn nhưng không được. Sau đó, tôi đã chở bà Đành đến trình báo lại với ông Hùng- Trưởng Công an xã Hbông…Bà Đành bức xúc: Sự việc xảy ra đã lâu, tôi đã trình báo với Trưởng Công an xã và cũng đã làm đơn tố cáo gửi Công an xã Hbông nhưng đến nay vẫn không thấy giải quyết. Biết nhưng… quản không xuểXung quanh vấn nạn số đề trên địa bàn, ông Bùi Văn Cường- Phó Trưởng Công an xã Hbông nhận xét: Các hình thức đánh đề hiện nay rất tinh vi, đánh trên điện thoại di động nên rất khó phát hiện. Công an xã đã phát hiện một điểm nhỏ lẻ ở làng Đek và đã có nhắc nhở. Hiện điểm này đã ngừng hoạt động và Công an xã vẫn thường xuyên giám sát. Tuy nhiên lực lượng mỏng, chỉ có 14 người (trong đó có 2 trưởng, phó còn lại 12 công an viên) mà địa bàn lại rộng, phức tạp nên rất khó quản lý. Nạn số đề đã và đang diễn ra trên địa bàn nhưng khi hỏi lực lượng Công an xã có bắt được vụ số đề nào chưa thì ông Cường thừa nhận chưa bắt được vụ nào.Ông Cường cho biết: Công an xã đã nhận được đơn của bà Dương Thị Đành. Do vợ chồng bà Đành có nợ tiền của bà Kiều (chị gái của ông Trần Vũ- làm ở tổ tự quản xã), nên bà Kiều có siết nợ tủ lạnh, xe máy. Hiện tủ lạnh của bà Đành Công an đang giữ. Đơn của bà Đành hiện đang chờ xác minh và chờ ý kiến của lãnh đạo cấp trên.Người dân trên địa bàn bức xúc vì nhiều ổ đề đã và đang ngang nhiên hoạt động. Họ biết rõ, thậm chí còn có thể nêu đích danh nhưng lạ là lực lượng chức năng trên địa bàn vẫn… bình chân như vại. Và không thể giải quyết từ cái gốc là nạn số đề thì e rằng chuyện khiếu nại, khiếu kiện trên địa bàn xã sẽ tiếp tục xảy ra.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm