Nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2016, huyện Ia Pa tiếp tục được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ thêm 23 nhóm cải thiện sinh kế, trong đó có 6 tiểu dự án sản xuất lúa và hỗ trợ dinh dưỡng triển khai tại 6 thôn: Kdăm 1 (xã Ia Kdăm); Ơi Briu 1, Ơi Briu 2, Ơi Htrông (xã Chư Mố); Jứ Ma Uôk, Jứ Ma Hoét (xã Ia Broăi). Những tiểu dự án này đang dần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.

Tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia nhóm sản xuất lúa ở xã Ia Broăi. Ảnh: Đ.Y

Có mặt tại cánh đồng lúa ở thôn Ơi Briu 1 (xã Chư Mố) vào thời điểm này, nhìn những bông lúa trĩu nặng, đung đưa theo gió, chúng tôi không khỏi vui mừng khi nghĩ về một mùa bội thu sắp tới. Chỉ tay vào ruộng lúa, trưởng nhóm sản xuất lúa thôn Ơi Briu 1-Rah Lan Plek vui mừng nói: Đây là năm thứ hai, 20 thành viên trong nhóm được dự án hỗ trợ sản xuất lúa. Từ kết quả vụ lúa trước, các thành viên rất tự tin vào cách làm đất, gieo sạ, chăm sóc lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”. Tuy nhiên, trong thời gian triển khai, các thành viên nhóm chưa biết cách bón phân đúng lịch, cách phát hiện và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa. Nhờ được cán bộ dự án hướng dẫn nhiệt tình ngay tại ruộng lúa và trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây nên mỗi thành viên hiểu rõ hơn về kỹ thuật cũng như cách phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa.

“Năm 2016, xã Chư Mố được dự án hỗ trợ 3 nhóm sản xuất lúa với 18 ha tại 3 thôn: Ơi Briu 1, Ơi Briu 2 và Ơi Htrông. Trong đó, thôn Ơi Htrông triển khai năm đầu, 2 thôn còn lại được dự án hỗ trợ năm thứ hai. Theo quy định, thôn Ơi Briu 1 và Ơi Briu 2 được dự án hỗ trợ 70% chi phí vật tư đầu vào, còn lại 30% là tập trung nâng cao năng lực và dinh dưỡng. Nhờ đó, bà con đã bỏ được phương thức sản xuất cũ để sản xuất lúa theo đúng quy trình “3 giảm, 3 tăng”. Với quy trình này, lúa không chỉ giảm được sâu bệnh mà còn cho năng suất, sản lượng cao”-anh Rcom Dam Mơ Ai, hướng dẫn viên cộng đồng (CF) xã Chư Mố cho biết.

Xã Ia Broăi cũng có 2 thôn được dự án hỗ trợ sản xuất lúa là Jứ Ma Uôk và Jứ Ma Hoét với 40 hộ hưởng lợi. “Từ chỗ gieo sạ lúa truyền thống tốn 20-30 kg thóc giống/sào, khi dự án hỗ trợ theo quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, mỗi sào bà con chỉ sạ 13 kg giống mà lúa vẫn phát triển, cho sản lượng cao. Tuy nhiên, vụ sản xuất lúa này, chỉ có 10 thành viên thôn Jứ Ma Uôk được dự án hỗ trợ năm trước sạ 13 kg thóc giống/sào còn 10 thành viên mới tham gia nhóm năm 2016 vẫn còn gieo sạ 15 đến 18 kg thóc giống/sào. Song điều đáng mừng là khi tập huấn nâng cao lực, thay đổi giống lúa mới năng suất cao, bà con đã tự tin mua giống về gieo sạ”-chị Lê Thị Út Hằng-cán bộ CF xã Ia Broăi cho biết.

Trao đổi với P.V, ông Võ Tấn Công-Phó ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Ia Pa cho biết: “Người dân ở Ia Pa sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất còn lạc hậu nên năng suất các loại cây trồng, nhất là sản xuất lúa đạt thấp. Vì vậy, mục đích của việc triển khai nhóm sản xuất lúa là giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất và cải thiện đời sống”.

Cùng với việc giúp người dân cải thiện, thay đổi phương thức sản xuất, một trong những mục tiêu của dự án hướng đến là nỗ lực nâng cao dinh dưỡng cho những hộ nghèo. Khi an ninh lương thực đáp ứng đủ thì việc cải thiện chất lượng cho từng bữa ăn sẽ không còn khó. Năm 2015, nhiều thành viên các nhóm đã tham gia buổi tuyên truyền về dinh dưỡng do dự án tổ chức. Từ đó đến nay, rất nhiều thành viên đã hiểu và biết cách chế biến món ăn để không mất dinh dưỡng và biết mỗi bữa ăn cần bổ sung bao nhiêu dưỡng chất là đủ cho gia đình. Chị Siu HNhoa-Phó Trưởng nhóm sản xuất lúa làng Ia Kdăm 1 (xã Ia Kdăm) cho hay: Nhà mình có 8 thành viên. Trước đây, mỗi bữa ăn, mình chỉ quan tâm cơm và canh là chính, thi thoảng mới có thức ăn là cá khô và thịt heo. Mặc dù nhà nuôi gà, có trứng nhưng lại nghĩ trứng ăn không tốt nên mang ra chợ bán lấy tiền mua rau, muối, cá khô. Sau khi được tập huấn về dinh dưỡng, mình mới vỡ lẽ ra nhiều điều, như việc con mình còi cọc là vì hàng ngày chúng không được cung cấp đủ dưỡng chất.

Những hoạt động hỗ trợ sản xuất lúa và hỗ trợ dinh dưỡng giúp nhiều chị em thay đổi cách nghĩ về nguồn dinh dưỡng để chăm sóc tốt cho người thân, đặc biệt là trẻ em. “Năm 2015, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền về dinh dưỡng cho các thành viên tham gia nhóm. Đến đầu tháng 9-2016, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền và thực hành khi những tiểu dự án sản xuất lúa và cải tạo vườn hộ cho thu hoạch. Khi an ninh lương thực đảm bảo thì chất lượng dinh dưỡng hàng ngày sẽ được mọi người quan tâm”-ông Võ Tấn Công nhấn mạnh.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm