Nâng cao chất lượng dân số: "Chìa khóa" để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KKHGĐ) ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, mức giảm sinh bình quân đạt 0,65%o, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng 1%/năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 22%. Tuy nhiên, mức sống của người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số.
Quan tâm chế độ dinh dưỡng cho trẻ 
Đứa con thứ 2 của chị Phô (làng Ta Đum, xã Ayun, huyện Mang Yang) hiện được 14 tháng tuổi. Chị Phô bị bệnh suy tim nên lúc mới sinh, do không đủ sữa mẹ, chị phải bổ sung sữa công thức cho con. Duy trì được 3 tháng, không đủ tiền mua sữa cho con, chị phải chuyển sang cho con uống sữa tươi rồi ăn dặm khi bé mới được 4 tháng tuổi. Chị Phô giãi bày: “Khi mang thai, tôi không có điều kiện bồi bổ nên con sinh ra bị thiếu cân. 2 vợ chồng chỉ làm thuê nên mỗi tháng tốn vài trăm ngàn đồng mua sữa bột cho con là một áp lực lớn. Vì vậy, tôi phải cho con ăn cháo, ăn cơm sớm, cũng chưa nghĩ đến việc cho con ăn đủ dưỡng chất để nâng cao thể chất, trí tuệ. Từ năm 2017 đến nay, con tôi được hỗ trợ mỗi ngày 1 gói vi chất dinh dưỡng nên sức khỏe, cân nặng đã được cải thiện”.
Nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh thường xuyên được chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh: Đinh Yến
Ayun là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều khó khăn nên chưa chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe. Để tạo thói quen thăm khám, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) định kỳ bà mẹ mang thai, cho con bú, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, Ban Công tác dân số xã, Trạm Y tế xã mỗi năm phát động 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tài trợ thực hiện Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện (giai đoạn 2017-2021) trên địa bàn xã nhằm cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thể chất, trí tuệ cho trẻ em vùng sâu, góp phần nâng cao chất lượng dân số.         
Tương tự, tại huyện Kông Chro, do cuộc sống khó khăn nên nhiều gia đình không đủ điều kiện đảm bảo dinh dưỡng trong các bữa ăn của con trẻ. Đưa con đến Trạm Y tế xã Kông Yang kiểm tra sức khỏe, chị Đinh Thị Kut (làng Kông Hra) bày tỏ: “Nhà mình thuộc diện nghèo nên rau cháo qua ngày. Năm qua, được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế, gia đình không phải lo gánh nặng chi phí khám-chữa bệnh, con cái được chăm sóc sức khỏe thường xuyên nên cũng yên tâm phần nào. Nhưng để con ăn cho đủ chất thì còn khó khăn lắm”.
Mới đây, khi Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh vừa tổ chức chiến dịch truyền thông chăm sóc SKSS và dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và có con 6-24 tháng tuổi tại xã Kông Yang. Bà Nguyễn Thị Ánh-Trưởng trạm Y tế xã-cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn cho các bà mẹ mỗi bữa ăn cần đảm bảo 4 nhóm dinh dưỡng chính: tinh bột, dầu mỡ, đạm, vitamin và khoáng chất. Nếu không có điều kiện mua thịt, trứng, cá... thì cha mẹ có thể thay thế bằng tôm, tép, cua bắt ngoài đồng”.
Giải pháp nâng cao chất lượng dân số 
Theo bà Đào Thị Bình-Trưởng khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh), 1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của một đứa trẻ rất quan trọng đối với sự phát triển về mặt thể chất, cảm xúc và nhận thức. Vì vậy, ở thời kỳ này, trẻ cần được đầu tư đầy đủ về dưỡng chất để có cơ hội phát triển tốt nhất về não bộ và thể chất. Tuy nhiên, do đời sống người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn nên điều kiện nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ cũng như các thành viên trong gia đình còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dân tộc thiểu số trong tỉnh còn khá cao (trên 30%). Suy dinh dưỡng không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ mà còn tạo gánh nặng cho gia đình và y tế.
Nói về những giải pháp nâng cao chất lượng dân số, ông Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh-chia sẻ: Trước tiên, cần quan tâm chăm sóc SKSS cho bà mẹ mang thai và chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, một số tổ chức phi chính phủ đã có những hoạt động thiết thực tại các xã, huyện đặc biệt khó khăn trong tỉnh. 
“Riêng ngành Dân số, đã tham mưu UBND tỉnh triển khai và thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh giai đoạn 2011-2015”, sau đó tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2020. Tại mỗi địa phương, ngành Y tế đã chủ động khắc phục những khó khăn, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay từ cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động và truyền thông chuyển đổi hành vi bằng cả hình thức trực tiếp và gián tiếp để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân; lồng ghép tuyên truyền với các dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS... Các bà mẹ mang thai thường xuyên được cán bộ Trạm y tế xã kiểm tra sức khỏe, được theo dõi tiêm phòng đầy đủ, siêu âm tầm soát phát hiện sớm dị tật bẩm sinh. Trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu gót chân để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh thiếu men G6DP, suy giáp trạng bẩm sinh; 100% trẻ được tiêm chủng phòng-chống các bệnh lây và không lây, được uống đầy đủ vitamin A, phòng-chống suy dinh dưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe trong giai đoạn đầu đời.
Ông Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh: “Chủ đề ngày Dân số thế giới 11-7 năm nay là “Việt Nam-25 năm thực hiện Chương trình hành động hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD Cairo, 1994). Theo đó, các địa phương tiếp tục có những hành động thiết thực trong việc quan tâm chăm sóc, phát hiện và điều trị sớm các biểu hiện bệnh tật ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, tránh hậu quả nặng nề do các bệnh rối loạn chuyển hóa và di truyền. Đây chính là nền tảng cho việc nâng cao chất lượng nòi giống, ươm mầm tương lai, mở ra cánh cửa phát triển bền vững, hòa nhập với thế giới”.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm