Nâng cao chất lượng điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV/AIDS với mục tiêu đảm bảo cho người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với các dịch vụ tư vấn chăm sóc điều trị kháng Retrovirus virút (ARV), điều trị dự phòng lao/HIV, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cũng như các xét nghiệm đánh giá, theo dõi điều trị khác, đến nay, Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS Gia Lai đã phối hợp triển khai 2 cơ sở điều trị cho bệnh nhân AIDS đặt tại Khoa Bệnh Nhiệt đới-Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trại giam Gia Trung.
 

Tuyên truyền về căn bệnh thế kỷ trong cộng đồng tại huyện Ia Pa. Ảnh: Nguyễn Huy

Theo tổng hợp mới nhất từ Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh, số bệnh nhân HIV lũy tích trên địa bàn tỉnh là 785 người, số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 289 người và số tử vong do AIDS là 164 người, trong đó năm 2012 có 16 trường hợp tử vong do AIDS, năm 2013 có 8 trường hợp (giảm 50%). Số  bệnh nhân AIDS đang được điều trị ARV là 137 người, tăng 46 người so với năm 2012; trong đó có 6 trẻ em, 1 phụ nữ mang thai và 37 bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị dự phòng bệnh lao bằng INH.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc, hỗ trợ các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, ngoài các chương trình đã triển khai trong suốt thời gian qua, đầu năm 2014 Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp với Trại giam Gia Trung triển khai chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho phạm nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, qua đó đã tiếp cận tư vấn điều trị cho 17 phạm nhân, đây là một chương trình mang tính nhân văn cao nhằm giúp cho phạm nhân bớt mặc cảm, có thêm niềm hy vọng hoàn lương trở về hòa nhập với cộng đồng.

Song song với các hoạt động trên, đều đặn hàng tháng, Trung tâm có kế hoạch giám sát hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, hướng dẫn quy trình điều trị tại các cơ sở. Bên cạnh đó, Trung tâm còn hỗ trợ trong việc lấy máu xét nghiệm khẳng định và xét nghiệm đánh giá hiệu quả của công tác điều trị ARV bằng xét nghiệm tế bào CD4... Bước đầu hoạt động này mang lại nhiều kết quả giúp người nhiễm HIV nói chung và phạm nhân HIV/AIDS nói riêng phục hồi sức khỏe, tăng cân, tinh thần ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.

Dù vậy công tác quản lý điều trị cho người nhiễm HIV vẫn gặp nhiều khó khăn đa số người bệnh không chủ động hợp tác với các đơn vị y tế để tư vấn đưa điều trị sớm vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, đồng thời vấn đề chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS hiện nay chủ yếu là cung ứng đầy đủ thuốc và chăm sóc về thể chất, còn các chăm sóc khác về tinh thần và các hoạt động, công tác xã hội giúp người nhiễm căn bệnh thế kỷ có thêm tự tin, sớm hòa nhập cộng đồng vẫn còn hạn chế-ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh Gia Lai cho biết.

Do đó, theo đề xuất từ đơn vị chuyên trách của ngành Y tế, để nâng cao hiệu quả chăm sóc điều trị trong thời gian tới, tỉnh ta cần đa dạng hóa các hoạt động truyền thông chăm sóc, điều trị HIV/AIDS nhằm nâng cao nhận thức của người dân, người nhiễm HIV/AIDS tránh kỳ thị phân biệt đối xử, giúp cho người nhiễm HIV/AIDS sớm tiếp cận với các dịch vụ này. Ngoài ra, ở các tuyến y tế cơ sở cần chú trọng nâng cao năng lực công tác tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS trước và trong điều trị; theo dõi, điều trị phơi nhiễm do tai nạn nghề nghiệp; cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo thống kê từ ngành chức năng, trên địa bàn hiện có khoảng 1.000 đối tượng liên quan đến việc sử dụng, vận chuyển, mua bán chất ma túy, trong đó có gần 900 trường hợp nghiện chích ma túy đang được quản lý tại nhiều cơ sở và tại địa phương. Ngoài biện pháp xử lý, bắt các đối tượng vi phạm, các cơ quan trong tỉnh thường xuyên phối hợp giúp người nghiện cai thuốc, có công việc ổn định, tuy nhiên nguy cơ tái nghiện vẫn còn cao.

Do vậy, mới đây, Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với các cơ quan quản lý đối tượng nghiện chất ma túy sử dụng biện pháp thay thế bằng thuốc Methadone. Methadone là một loại ma túy hợp pháp (không phải là loại thuốc cai nghiện) dùng để thay thế các loại ma túy dạng thuốc phiện như heroin. Tuy là ma túy, nhưng Methadone có ưu điểm là không phải tiêm chích, không tăng liều, có tác dụng trong 24 giờ nên mỗi ngày chỉ dùng 1 lần. Methadone chỉ có tác dụng với những người nghiện heroin, không có tác dụng với người nghiện loại ma túy tổng hợp, như: thuốc lắc, ma túy đá...

Nguyễn Huy

Có thể bạn quan tâm