Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người già

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người xưa nói “Một người già bằng ba trẻ nhỏ”. Để chăm sóc và điều trị cho những “người bệnh đặc biệt” có tính khí đôi khi thất thường quả là công việc không hề đơn giản đối với các y-bác sĩ và điều dưỡng của Khoa Lão (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai).  

Được thành lập từ tháng 9-2008, sau khi tách ra từ Khoa Nội, Khoa Lão của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai ban đầu chỉ có 5 bác sĩ và 31 điều dưỡng, hộ lý, đến nay đội ngũ cán bộ, nhân viên trong khoa đã nâng lên 50 người (trong đó có 10 bác sĩ, 34 điều dưỡng và 6 hộ lý). Từ tháng 9-2013, Khoa Lão được chuyển về tòa nhà mới, cùng với Khoa Nội trung cao và Khoa Sản ở tòa nhà cao tầng mới xây khang trang, thoáng mát hơn. Điều này, ít nhiều giúp tạo tâm lý thoải mái hơn cho các cụ ông, cụ bà bệnh nhân mỗi khi phải nằm điều trị dài ngày tại đây.

 

Khám-chữa bệnh và chăm sóc người già ở Khoa Lão là công việc không hề nhẹ nhàng. Ảnh: Đ.P

Bác sĩ Siu Thìn-Phó Trưởng khoa Lão cho hay, người già như ngọn đèn sắp hết dầu, mỗi khi ngã bệnh thường hay mắc nhiều bệnh cùng lúc, vì thế khi nhập viện thường phải điều trị dài ngày, bình quân mỗi đợt điều trị kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Vào những thời điểm trời rét dịp Tết Nguyên đán hoặc lúc thời tiết chuyển mùa, nắng nóng gay gắt, người già nhập viện nhiều hơn. Khoa được biên chế 60 giường bệnh nhưng thực kê tới 90 giường, trung bình mỗi ngày có từ 90 đến 100 bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh đến 160%.  

Đối với những người bệnh trí óc còn minh mẫn thì việc chăm sóc, điều trị gặp ít trở ngại còn với hầu hết người già đã “quẫn tính” thì việc chăm sóc và chữa trị cho họ không hề đơn giản. Để phục vụ được nhóm bệnh nhân đặc biệt này, các điều dưỡng ở Khoa Lão phải nắm bắt được tâm lý của họ để có cách chăm sóc và ứng xử hết sức tế nhị, khéo léo, bởi người già tâm lý không ổn định, họ dễ bị mủi lòng và tổn thương. Lại có nhiều người bệnh già không tự đi lại, ăn uống hay vệ sinh cá nhân được, các điều dưỡng ở Khoa Lão phải “xắn tay áo” phụ giúp người nhà để chăm sóc các cụ. Việc dùng thuốc đối với người già cũng nhiều hơn các lứa tuổi khác bởi họ thường cùng lúc mang nhiều bệnh trong người và quy trình dùng thuốc phải thêm công đoạn nghiền nhỏ thành bột hoặc tiêm vì bệnh nhân nhiều khi không nuốt được nên phải cho ăn uống bằng dây xông (sodn) dạ dày…   

Qua trò chuyện với điều dưỡng Trưởng khoa Nguyễn Thị Thanh Lan và các y-bác sĩ ở Khoa Lão được biết, nhiều khi gặp người bệnh neo đơn vào nhập viện, không có con cháu đi theo để chăm sóc, không có chế độ bảo hiểm y tế, lại không có tiền thuốc men, ăn uống, các cán bộ, nhân viên trong khoa lại cùng nhau góp tiền để mua đường sữa hỗ trợ cho các cụ, khi khỏi bệnh lại liên hệ với Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh để đón các cụ vào nuôi dưỡng hoặc cho các cụ tiền xe để trở về nhà. Cũng có cụ vào viện neo đơn nhìn thấy xung quanh người ta có con cháu sum vầy chăm sóc thì tủi phận, khi bác sĩ cho thuốc cứ một mực không chịu uống mà “đòi chết đi cho xong”. Những lúc ấy các anh, chị lại phải dỗ dành các cụ nguôi ngoai nỗi lòng để tập trung chữa bệnh.

Bệnh nhân đông, áp lực công việc nặng nề, nhưng tuyệt nhiên ở Khoa Lão không hề nghe thấy sự than trách hay cáu gắt từ phía cán bộ và nhân viên nơi đây. Có lẽ đó cũng là một điểm cộng để cho nhiều bệnh nhân “cứ lâu lâu lại phải nhập viện điều trị một đợt đến vài tháng liền mà vẫn cảm thấy thoải mái, ấm cúng như ở nhà mình vậy”-bệnh nhân Nguyễn Văn Tính ở đường Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku bày tỏ.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm