Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ vùng biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt”. Thấm nhuần lời dạy đó, thời gian qua, các chi bộ thôn, làng vùng biên giới đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.
Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt
Chi bộ làng Krông (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) có 13 đảng viên, trong đó có 10 đảng viên người dân tộc thiểu số. Ông Hà Phẩm Chất-Phó Bí thư Chi bộ-chia sẻ: Trước đây, các buổi sinh hoạt vẫn còn tình trạng đảng viên đi muộn về sớm; đảng viên tham gia sinh hoạt không đầy đủ, ít tham gia phát biểu ý kiến hoặc có chăng cũng chỉ xoay quanh việc trồng trọt, chăn nuôi. Để khắc phục tình trạng này, cấp ủy chi bộ thống nhất chuyển thời gian sinh hoạt từ buổi sáng sang chiều muộn, khi mọi người đã kết thúc công việc trong ngày để tham gia được đầy đủ. Hàng tháng, Chi ủy xây dựng đề cương sinh hoạt, gợi ý các nội dung thảo luận. Tất cả ý kiến của đảng viên đều được ghi nhận, tổng hợp, phân tích; biểu dương, khen thưởng kịp thời những đảng viên tiêu biểu, tích cực. “Đảng viên ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng ở các lĩnh vực: phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng nông thôn mới, phòng-chống dịch Covid-19, giữ gìn bản sắc văn hóa, sinh đẻ có kế hoạch”-ông Chất cho hay.
Đảng viên đồn Biên phòng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với người dân trên địa bàn phụ trách. Ảnh: Phương Dung
Theo ông Nông Văn Hoàng-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr, nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong sinh hoạt Đảng ở các chi bộ thôn, làng một phần do trình độ, nhận thức của đảng viên còn hạn chế; việc định hướng vấn đề thảo luận chưa cụ thể; phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên trong chi bộ chưa rõ ràng; nghị quyết chưa cụ thể, có khi còn trùng lặp. “Đảng ủy xã đã triển khai, hướng dẫn các chi bộ tổ chức sinh hoạt theo đúng Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương cũng như các văn bản chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Hàng tháng, yêu cầu cấp ủy chi bộ đánh giá đúng tình hình, kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng đảng viên, quần chúng; chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tháng, đồng thời nêu nguyên nhân, giải pháp khắc phục để không lặp lại”-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr nêu rõ.
Ông Hoàng Văn Tam-Bí thư Chi bộ làng Triêl (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “15/19 đảng viên trong Chi bộ là người dân tộc thiểu số. Để đảng viên dự sinh hoạt đầy đủ, phát huy vai trò xây dựng tổ chức, Chi ủy thường xuyên tranh thủ sự góp ý của cấp ủy cấp trên, cán bộ, đảng viên về nội dung, hình thức tổ chức. Mặc dù đã thống nhất thời gian tổ chức sinh hoạt song trước đó 1 ngày, Chi ủy vẫn thông báo đến từng đảng viên để mọi người sắp xếp thời gian tham dự, nhất là những đảng viên làm rẫy ở xa. Nhờ đó, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt hàng tháng đạt 95% và đảng viên ngày càng thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến. Nghị quyết hàng tháng của Chi bộ dần sát với tình hình thực tế, đảm bảo mục tiêu rõ ràng, yêu cầu cụ thể”.
Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của chi bộ
Bên cạnh các giải pháp từ cơ sở, các huyện biên giới cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Ông Phạm Văn Cường-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ-cho hay: Huyện ủy quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 1385-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 25-4-2019 quy định cấp ủy viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư. Theo đó, phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt, cung cấp thông tin tình hình thời sự nổi bật trong tỉnh, huyện; các chủ trương, chính sách và những nội dung liên quan đến nhiệm vụ địa phương; kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc để rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, huyện cũng hướng dẫn các xã lựa chọn và tổ chức sinh hoạt chi bộ điểm, mời các chi bộ khác về học tập, rút kinh nghiệm. Ngoài ra, Huyện ủy phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định tạm thời về trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng biên giới.
Đảng viên đồn Biên phòng thường xuyên gần dân, giúp dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Ảnh: Phương Dung
Đề cập đến một số giải pháp của địa phương trong thời gian tới, ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông-thông tin: Cùng với việc phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt với các chi bộ khu dân cư để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nắm chắc tình hình cơ sở, thời gian qua, huyện còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Do đó, những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở đã được tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, việc ban hành nghị quyết đã gắn với nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, đảng viên thì phát huy tính tiền phong gương mẫu, tích cực bám nắm tình hình, tham gia thảo luận.
Mặt khác, việc đưa đảng viên Biên phòng về tham gia sinh hoạt là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu cho các chi bộ cơ sở. Toàn tỉnh có 48 chi bộ thôn, làng thuộc 7 xã biên giới và đến nay tất cả đều có đảng viên Biên phòng tham gia sinh hoạt. Đại tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-nhấn mạnh: “Đội ngũ đảng viên Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chi bộ thống nhất nội dung, các bước tiến hành sinh hoạt chi bộ; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ; gắn việc xây dựng chi bộ với củng cố, kiện toàn các hội, đoàn thể thôn, làng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, đảng viên đồn Biên phòng còn hỗ trợ cấp ủy các chi bộ quản lý hệ thống sổ sách, biên bản theo quy định; quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai và sát với tình hình thực tế của địa phương”.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm