(GLO)- Với kỳ vọng đào tạo thế hệ giáo viên chuẩn chất lượng ngay từ đầu vào, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có dự thảo quy định ngưỡng điểm đầu vào đại học (điểm sàn) cho các ngành Sư phạm và quy định chỉ xét tuyển những học bạ có học lực khá, giỏi ở lớp 12 vào ngành đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, mục tiêu này xem ra khó đạt được.
Năm 2018, điểm chuẩn đầu vào ngành Sư phạm sẽ có điểm sàn; thí sinh xét tuyển bằng học bạ vào ngành Sư phạm bậc đại học phải đạt học lực giỏi năm lớp 12; bậc cao đẳng, trung cấp phải có học lực lớp 12 đạt khá trở lên... Đó là những nội dung được Bộ GD-ĐT đặt ra trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.
Ảnh: Đ.T |
Đúng nhưng chưa đủ
Trao đổi về những điểm mới tại dự thảo này, đa số thầy-cô giáo cho rằng, điều này là đúng và rất cần thiết nhằm kịp thời cải thiện chất lượng đầu vào của ngành Sư phạm. Tuy nhiên, các thầy cô lo ngại sẽ không thu hút được người giỏi vào ngành Sư phạm nếu những quy định này không đi kèm với cơ chế việc làm sau khi ra trường.
Thầy Nguyễn Minh Sơn-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Chuyên Hùng Vương, phân tích: “Hiện nay, ngành Sư phạm không còn thu hút được sinh viên giỏi theo học dù đầu vào không khó, bởi rào cản rất lớn là không tìm được việc làm sau khi ra trường. Do đó, theo tôi, những quy định mới nếu áp dụng sẽ khó thành công vì các em học sinh khá-giỏi không dại gì đầu quân cho một ngành học mà biết chắc là khi ra trường sẽ... thất nghiệp. Mong rằng, Bộ GD-ĐT quan tâm xây dựng chính sách rõ ràng bảo đảm việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường. Tất nhiên, mức lương cũng cần cải thiện để giáo viên cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục của đất nước”.
Lý giải thêm cho quan điểm trên, thầy Nguyễn Minh Sơn cho rằng, nhiều giáo viên mới ra trường thiết tha đi dạy dù mức lương hàng tháng thấp hơn so với những công việc trái ngành khác. “Khi các em chọn học Sư phạm thì ít nhiều đã có sự yêu thích và ý thức về nghề nghiệp của mình”-thầy Sơn nói.
Cùng chung quan điểm với thầy Nguyễn Minh Sơn, nhiều giáo viên mong muốn Bộ GD-ĐT xây dựng được một cơ chế việc làm cho sinh viên ngành Sư phạm cùng với quy định ngưỡng đầu vào đảm bảo chất lượng. “Nếu làm được điều đó, nền giáo dục của chúng ta sẽ có thêm nhiều người tài, tâm huyết để phục vụ cho chương trình sách giáo khoa mới áp dụng trong thời gian tới. Bởi lẽ, đội ngũ giáo viên giữ vai trò quyết định thành bại của công cuộc đổi mới lần này”-thầy Võ Thành Nguyên-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, bày tỏ.
Khó thu hút người giỏi
Hiện nay, do khó có việc làm sau khi ra trường nên ngành Sư phạm không thu hút được nhiều người theo học, nhất là những học sinh khá-giỏi. Thực tế tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương-nơi giữ vai trò phát triển giáo dục mũi nhọn của tỉnh, trong nhiều năm qua, rất ít học sinh đăng ký thi hoặc xét tuyển vào ngành Sư phạm. “Vẫn có nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay và đang có xu hướng bị triệt tiêu”-thầy Nguyễn Minh Sơn nói. Cũng theo thầy Sơn, một số em là cựu học sinh của trường vì đam mê đã theo học ngành Sư phạm nhưng trước áp lực công việc khó khăn đã chuyển hướng sang học ngành khác. Và thầy Sơn lấy làm tiếc cho ngành GD-ĐT vì các em nói trên là những học sinh xuất sắc của nhà trường.
Tiến hành khảo sát ý kiến một nhóm học sinh ngẫu nhiên tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương về nguyện vọng muốn vào học ngành Sư phạm, chúng tôi nhận được rất nhiều cái lắc đầu. “Gia đình em có truyền thống sư phạm nhưng anh chị em ra trường không tìm được việc làm. Dù cũng thích nối nghiệp bố mẹ nhưng học ra để thất nghiệp thì em chẳng dại. Em nghĩ mình sẽ theo học ngành Công nghệ Thông tin hoặc Quân sự”-em Hoàng Quyết Thắng (lớp 10C4) nói. Rất nhiều học sinh khác chưa quyết định mình sẽ theo học ngành nghề gì nhưng đều chung suy nghĩ là không học ngành Sư phạm...
Còn đối với các bậc phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có con em học giỏi thì cân nhắc chọn ngành nghề rất cẩn thận. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (phường Ia Kring, TP. Pleiku) phân tích: “Con tôi đang học lớp 11, học lực giỏi. Ban đầu, tôi cũng mong muốn cháu chọn ngành Sư phạm vì đây là nghề được xã hội coi trọng và tạo nền tảng học tập cho con cái sau này. Quan trọng hơn là tôi thấy cháu thích làm cô giáo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, giáo viên ra trường bị thất nghiệp quá nhiều nên mẹ con tôi rất hoang mang. Rõ ràng không ai theo học một ngành mà biết chắc sẽ thất nghiệp”.
Theo số liệu do Bộ GD-ĐT công bố tháng 1-2017, cả nước thừa 26.700 giáo viên. Trước đó, tại Hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo giáo viên diễn ra tháng 5-2016, Bộ GD-ĐT dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm. |
Như vậy, ngay cả khi chưa áp dụng quy định ngưỡng đầu vào cao hay học bạ “đẹp” mới được xét tuyển thì ngành Sư phạm đã rất khó tìm kiếm người tài giỏi, yêu nghề trong bối cảnh quá nhiều áp lực việc làm sau khi ra trường như hiện nay. Tuy nhiên, những quy định tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy của Bộ GD-ĐT sẽ góp phần hạn chế được việc xét tuyển vào ngành Sư phạm một cách ồ ạt, kém chất lượng như đã xảy ra. Còn nếu muốn tuyển được người giỏi vào ngành Sư phạm thì rõ ràng cần thêm nhiều giải pháp và cơ chế ưu tiên cả trong quá trình đào tạo lẫn giải quyết việc làm khi ra trường.
Nguyễn Giang