Thời sự - Bình luận

Nâng cao hiệu quả giám sát, thực thi quyền làm chủ của dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hôm qua (27-9) tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đất nước đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau hơn 2 năm tập trung chống dịch và nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai các chương trình, mục tiêu phát triển đất nước của Chính phủ. Đó cũng là cách để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.  
Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với sự tham dự của đại diện Thường trực Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các đại biểu Quốc hội chuyên trách Trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho thấy hội nghị có tầm quan trọng như thế nào trong việc thực hiện chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Cùng với công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, được Quốc hội các khóa gần đây tích cực thực hiện. Với tinh thần đổi mới, nhất là từ kinh nghiệm và các kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, hội nghị đã nghe các đại biểu góp ý, đề xuất một số giải pháp để triển khai hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023-năm giữa nhiệm kỳ với nhiều hoạt động định kỳ của Quốc hội như xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân… Cùng với đó là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. Hội nghị đã tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát, nhất là đối với hoạt động giám sát chuyên đề, việc khảo sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban tại địa phương; việc tăng cường giám sát để phòng-chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND.
Trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng của Đảng ngày càng quyết liệt; các đối tượng tham nhũng ngày càng bị lộ diện với nhiều thành phần, diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ đất đai đến mua sắm công, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách phát triển vùng nông thôn, miền núi… việc huy động, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác chống dịch trong mấy năm qua tồn tại nhiều vấn đề về cơ chế chính sách, tính minh bạch trong việc đấu thầu cung ứng thuốc, sinh phẩm y tế, vắc xin. Việc Quốc hội xác định năm 2023 tập trung vào giám sát 2 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” chẳng những đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cử tri và người dân cả nước khi dành khá lớn nguồn lực quốc gia triển khai trong một thời gian ngắn, cấp bách, chưa có tiền lệ, mà còn phù hợp với tinh thần không chùng xuống, không có vùng cấm trong cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng.
Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động của Nhà nước là cách để Quốc hội ngày càng thực quyền hơn. Qua đó hoàn thành tốt vai trò đại diện cho cử tri trong việc thực hiện quyền làm chủ Nhà nước. Trung ương đã thế, ở địa phương cũng vậy. Chất lượng công tác giám sát và hiệu quả xử lý các vụ việc sau giám sát là cách để HĐND thay mặt cử tri thực hiện quyền làm chủ về Nhà nước. Đó còn là cách để ngày càng khẳng định vai trò của cơ quan dân cử trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 
ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm