Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo tàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên và Nhà truyền thống Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Mặc dù mỗi bảo tàng thuộc loại hình, chức năng và nhiệm vụ khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc Gia Lai và của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Học sinh tham quan học tập ngoại khóa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Ảnh: Thanh Nhật

Cuối tháng 5-2014, Bảo tàng tỉnh tổ chức buổi sinh hoạt với chủ đề “Đổi mới hoạt động bảo tàng” và tổng kết rút kinh nghiệm việc phối hợp tổ chức đón học sinh tham quan học tập ngoại khóa tại các bảo tàng, nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh năm học 2013-2014. Mục đích của sinh hoạt là để phát huy thế mạnh đặc thù của từng bảo tàng để phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công tác chuyên môn nghiệp vụ. Đây còn là cơ hội để các bảo tàng mở rộng giao lưu, học hỏi, liên kết, bổ sung cho nhau về mọi mặt tạo thành sức mạnh tập thể góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa có nhiều nét tương đồng, đậm đà bản sắc của vùng Tây Nguyên.

Thời gian qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quân đoàn 3, Nhà truyền thống Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku đã có kế hoạch phối hợp trong việc đưa đón học sinh tham quan, học tập ngoại khóa vào thứ bảy hàng tuần. Kết quả cho thấy, việc học sinh đến tham quan học tập ngoại khóa vào những ngày thứ bảy hàng tuần là một hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa thiết thực. Hoạt động này đã góp phần tuyên truyền giáo dục, bồi đắp cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, về truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc, tìm hiểu về cuộc đời thân thế sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thành quả cách mạng của quân và dân các dân tộc Gia Lai trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và dựng xây tỉnh nhà sau giải phóng... Đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.  

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả hoạt động công tác bảo tàng và đề ra giải pháp như: đẩy mạnh hoạt động phục vụ khách tham quan; làm tốt công tác truyền thông, quảng bá; thu hút sự quan tâm của khách tham quan bằng các hoạt động sự kiện chuyên đề.

Bảo tàng là một thiết chế văn hóa nên cần được các nhà lãnh đạo, quản lý nhìn nhận nó theo tính động, đa dạng, đa chiều theo xu thế phát triển chung trong sự vận động phát triển của kinh tế-xã hội đất nước. Cùng với đó, các bảo tàng tại địa phương phải có kế hoạch định hướng nâng cao đổi mới chất lượng trưng bày, làm đa dạng, phong phú cách tiếp cận hiện vật tạo sự hấp dẫn trong từng mảng hoạt động, từng giá trị hiện vật… để thu hút khách tham quan. Ngoài các không gian bảo tàng, cần có thêm không gian dành cho các loại hình dịch vụ, trình diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian, sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống địa phương…

Trong xu thế hội nhập hiện nay, các bảo tàng ngày càng khẳng định là công cụ đắc lực để bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử của các dân tộc, quốc gia trên thế giới. Công tác bảo tàng của nước ta nói chung, các bảo tàng ở Gia Lai nói riêng đã đóng vai trò tích cực trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Trong thời gian tới, hệ thống bảo tàng trong tỉnh sẽ phát huy hơn nữa vai trò và vị trí của mình trong đời sống văn hóa xã hội, góp phần tạo nên những tiền đề quan trọng trong công tác giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng của dân tộc các thời kỳ, góp phần nâng cao dân trí và đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Phạm Thị Khoa Thi

Có thể bạn quan tâm