Thời sự - Bình luận

Nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội từ việc số hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Số hóa dữ liệu lễ hội là xu hướng tất yếu trong công tác quản lý văn hóa trước yêu cầu của thời đại. Số hóa không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo quản, giữ gìn tư liệu mà còn góp phần khẳng định, nâng tầm giá trị văn hóa Việt, quảng bá du lịch.

Thời gian qua, công tác số hóa lễ hội đã đạt được những kết quả tích cực tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn cần được tháo gỡ, giúp công tác quản lý phát huy hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

Độc đáo lễ Mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm.

Độc đáo lễ Mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm.

Cả nước hiện có 8.868 lễ hội, trong đó có 8.103 lễ hội truyền thống, 687 lễ hội văn hóa, 74 lễ hội ngành nghề, 4 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Các lễ hội được tổ chức rải rác vào nhiều thời điểm trong năm nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là dịp đầu năm mới. Lễ hội từ lâu đã trở thành một sinh hoạt văn hóa quen thuộc với đông đảo người dân. Mỗi lễ hội, đặc biệt là lễ hội truyền thống chứa đựng những giá trị căn cốt về văn hóa và lịch sử, phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa con người Việt Nam. Chính vì vậy nhiều năm qua việc giữ gìn, bảo vệ, tôn vinh, phát triển các giá trị văn hóa, bao gồm hoạt động lễ hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, ban hành những chính sách phù hợp.

Nắm bắt xu hướng ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động văn hóa, từ năm 2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án thể hiện sinh động mục tiêu xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai, hướng tới hoàn thành các mục tiêu công nghiệp hóa văn hóa, đóng góp vào thành công của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 của Chính phủ. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nêu ra trong kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.

Có thể thấy đa phần các lễ hội ở nước ta hằng năm là lễ hội truyền thống, hình thành từ rất lâu trong lịch sử, có nguồn gốc từ đời sống lao động, sinh hoạt của người dân và theo thời gian có sự tiếp biến, có những yếu tố mới được bổ sung.

Nhân dân sáng tạo ra lễ hội, thực hành lễ hội, và mỗi lễ hội có nguyên tắc tổ chức riêng, mỗi địa phương có những cách thực hành khác nhau, gắn với các quy định cụ thể như hương ước, lệ làng. Giống như nhiều giá trị văn hóa khác, lễ hội được lưu truyền qua dân gian là chủ yếu. Khoảng trống về tư liệu lưu trữ liên quan đến lễ hội không đầy đủ là nguyên nhân khiến những năm vừa qua, dưới tác động của kinh tế thị trường, không ít lễ hội đã bị sai lạc, biến tướng. Xu hướng thương mại hóa, coi lễ hội như hàng hóa để kinh doanh, kiếm lợi nhuận đã khiến cho nhiều lễ hội mất đi “tính thiêng”, mất đi vẻ đẹp văn hóa vốn có. Thậm chí ở nhiều nơi, lễ hội đã trở thành không gian của những trò chơi phản cảm, nạn cờ bạc đỏ đen, các dịch vụ “chặt chém” du khách, tình trạng nói tục chửi bậy, xả rác bừa bãi,... gây bức xúc trong dư luận. Những bất cập này đã đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết trong tổ chức, quản lý lễ hội. Ở một số địa phương, chính quyền còn lúng túng vì thiếu các căn cứ để thực hiện việc duy trì, bảo tồn lễ hội. Trước thực trạng này, việc chuẩn hóa các dữ liệu lễ hội bằng hoạt động số hóa là giải pháp cần thiết, cấp bách đối với công tác quản lý, góp phần củng cố các giá trị đẹp đẽ trong quá khứ tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, từ đó tiếp nhận và sáng tạo các giá trị mới làm giàu thêm cho văn hóa lễ hội.

Một trong những khó khăn của công tác số hóa lễ hội là việc thống kê, tìm kiếm dữ liệu. Đây là công việc phức tạp, với khối lượng dữ liệu rất lớn, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội: các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và đặc biệt là người dân. Mặc dù số lượng lễ hội tại Việt Nam nhiều, loại hình đa dạng nhưng chưa từng có đề án nào ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, khai thác dữ liệu. Trong giai đoạn một của đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” ngành văn hóa đã hoàn tất cơ bản các nội dung như: điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam, ưu tiên số hóa 100% dữ liệu lễ hội truyền thống, đầu tư trang thiết bị, xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về lễ hội Việt Nam. Trong giai đoạn hai, đề án sẽ tập trung số hóa các loại hình lễ hội còn lại, chú trọng công tác đào tạo con người cũng như khả năng vận hành cơ sở dữ liệu. Như vậy, khi hoàn tất đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội Việt Nam” công tác tổ chức, quản lý lễ hội sẽ trở nên khoa học, chuyên nghiệp hơn.

Đánh giá khách quan thời gian qua, các thông tin cung cấp từ Cổng thông tin lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương, nâng cao ý thức của người dân. Nhiều lễ hội đã trang trọng, an toàn, tiết kiệm, văn minh hơn, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng vừa góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ. Hàng nghìn trang tư liệu, bài viết, hình ảnh, video giới thiệu lễ hội được chuẩn hóa, trở thành cơ sở dữ liệu để người dân tra cứu, tìm hiểu, khai thác nhanh chóng và hiệu quả. Những hoạt động phản cảm, kém văn minh trong lễ hội đã giảm. Cùng với “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, nguồn dữ liệu được số hóa chắc chắn sẽ giúp cho công tác quản lý lễ hội ngày một chuẩn mực hơn.

Tuy nhiên, những thay đổi tích cực đó mới chỉ là ban đầu, còn ít, vẫn còn những điểm nghẽn cần được tháo gỡ để tiến tới việc chuẩn hóa dữ liệu đầy đủ và thuận tiện hơn cho việc tra cứu. Đầu tiên là nhận thức của các địa phương trong công tác số hóa chưa đồng đều. Nhiều nơi còn xem nhẹ công tác tìm kiếm tư liệu, sơ sài trong thông tin lễ hội. Lễ hội là di sản có lịch sử lâu đời và đang phải đối diện nguy cơ thất truyền dữ liệu. Nếu từng địa phương không chú trọng việc thu thập thông tin thì số hóa chỉ là hình thức mà thiếu đi những cơ sở tin cậy phục vụ công tác tổ chức, quản lý, phát huy giá trị đẹp đẽ của văn hóa mỗi vùng, miền. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa, lịch sử văn hóa và các hoạt động văn hóa đặc trưng của lễ hội đến nhân dân và du khách còn hạn chế. Người dân chưa có nhiều thông tin về số hóa dữ liệu dẫn đến việc tiếp cận phần mềm số hóa còn ít, chưa thường xuyên. Các tính năng sử dụng cũng như mức độ thân thiện của phần mềm dữ liệu theo đánh giá của chuyên gia cần được cải thiện, mở rộng sự tương tác để nhân dân có thể đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của mình từ góc độ người hưởng thụ và sáng tạo văn hóa.

Trong kỷ nguyên số, dữ liệu là một nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia. Chú trọng công tác số hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống, bao gồm cả văn hóa cho thấy Đảng và Nhà nước ta sớm nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên dữ liệu. Riêng đối với lĩnh vực văn hóa, nhận thức này một lần nữa cần được quán triệt từ nhà quản lý tới mỗi người dân. Thay đổi nhận thức là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp cho công tác số hóa dữ liệu văn hóa nói chung và số hóa dữ liệu lễ hội nói riêng được thực hiện thành công. Để việc số hóa phục vụ thiết thực, hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội, vấn đề cốt yếu là giúp người dân tiếp cận được các dữ liệu, cập nhật kiến thức, hiểu đúng về lịch sử, ý nghĩa của từng lễ hội, từ đó thay đổi hành vi khi tham gia sinh hoạt lễ hội. Muốn như vậy, dữ liệu phải đầy đủ, chính xác, khoa học, được thẩm định kỹ càng bởi các chuyên gia uy tín. Cách bố cục, sắp xếp thông tin phải hài hòa, thân thiện, dễ hiểu, phần mềm với tính năng dễ sử dụng và tốc độ truy cập nhanh đáp ứng nhu cầu của người dân. Nói cách khác, muốn làm tốt công tác số hóa, việc đầu tư cho công nghệ, kỹ thuật, máy móc cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò đặc biệt quan trọng. Cần đầu tư nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác đào tạo chuyên gia để vận hành, xử lý, duy trì hệ thống dữ liệu, cũng như cần một chiến lược đồng bộ, bài bản thu hút các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động giữ gìn, khai thác các giá trị của văn hóa. Nếu chúng ta biết thu hút các nguồn lực của toàn xã hội, công tác số hóa dữ liệu lễ hội sẽ đạt được những kết quả như mong đợi, góp phần không nhỏ vào phát triển công nghiệp văn hóa.

Trên thế giới và tại khu vực Đông Nam Á nhiều nước đã thực hiện thành công số hóa dữ liệu lễ hội. Hiệu quả của công tác này cho thấy vấn đề chuẩn hóa các dữ liệu lễ hội chính là cách thức hiệu quả để bảo tồn, phục hồi, phát triển văn hóa bền vững, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế-xã hội và văn hóa của các quốc gia. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ có thể phát huy giá trị khi được chuyển hóa sống động trong sinh hoạt lễ hội của người dân. Do đó nhất thiết nguồn tài nguyên này phải được tiếp cận, khai thác bởi các chủ thể lễ hội. Tiếp cận để hiểu, bảo vệ, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của lễ hội, và thông qua việc tham gia lễ hội, người dân có thể tiếp nhận, sáng tạo các giá trị mới, nâng tầm di sản văn hóa Việt Nam phù hợp với thời đại mới. Vì vậy, vấn đề tuyên truyền để người dân, nhất là thế hệ trẻ biết đến cũng như tiếp cận thường xuyên nguồn dữ liệu số hóa lễ hội cần được đặc biệt chú trọng, bởi họ chính là những chủ nhân tương lai giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội.

Có thể bạn quan tâm