Nâng cao năng lực quan trắc để bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ chú trọng công tác quản lý hoạt động quan trắc nên Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Gia Lai đánh giá đúng thực trạng chất lượng các thành phần môi trường để làm cơ sở đề ra giải pháp bảo vệ phù hợp.
Nâng cao năng lực quan trắc
Những năm qua, Sở TN-MT thường xuyên chủ trì thực hiện nhiệm vụ quan trắc, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường của tỉnh để kịp thời đề xuất UBND tỉnh đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện, ngăn ngừa ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và thực hiện các đề án, dự án tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang-thiết bị và đào tạo nhân lực phục vụ công tác quan trắc, đôn đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương-Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT cho biết: “Hàng năm, Trung tâm thực hiện quan trắc nước mặt tại 22 điểm với tần suất 6 lần/năm; quan trắc nước ngầm tại 20 điểm với tần suất 2 lần/năm; quan trắc môi trường không khí tại 23 điểm với tần suất 6 lần/năm; quan trắc môi trường đất tại 21 điểm với tần suất 2 lần/năm. Các kết quả quan trắc được tổng hợp kịp thời chuyển về Sở TN-MT để báo cáo UBND tỉnh và Bộ TN-MT đúng quy định”.
Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đầu tư 4,3 tỷ đồng lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động. Ảnh: Nhật Hào
Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đầu tư 4,3 tỷ đồng lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động. Ảnh: Nhật Hào
Năm 2021, Bộ TN-MT có quyết định về việc chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm và đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (VIMCERTS 287) cho Trung tâm Quan trắc TN-MT. Theo đó, đơn vị đẩy mạnh các hoạt động phân tích môi trường nước mặt, nước thải, nước dưới đất, không khí xung quanh, đất, bùn, trầm tích và chất thải. Việc cấp chứng chỉ đã thể hiện năng lực của Trung tâm trong thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trắc môi trường của tỉnh.
Bà Lê Thị Hồng Quyên-Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường-cho hay: Kết quả quan trắc hàng năm từ Trung tâm Quan trắc TN-MT gửi về đều cho thấy hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường có sự biến động nhất định. Nhìn chung chất lượng không khí nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, môi trường nước mặt năm 2021 cho thấy một số điểm quan trắc có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, vi sinh và dinh dưỡng, không đảm bảo cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bảo tồn động-thực vật thủy sinh hoặc tưới cho cây trồng. Đặc biệt, các điểm quan trắc nước mặt thuộc lưu vực sông Ba và suối Hội Phú (TP. Pleiku) có nhiều chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép. Đối với môi trường nước ngầm và môi trường đất qua kết quả quan trắc cho thấy tại hầu hết các vị trí kiểm tra đều nằm trong giới hạn cho phép.
Vận động doanh nghiệp lắp đặt trạm quan trắc
Bên cạnh đầu tư thiết bị, nâng cao năng lực quan trắc môi trường, Sở TN-MT cũng đã vận động các cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục đối với nước thải, khí thải để theo dõi, quản lý.
Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đã đầu tư hơn 4,3 tỷ đồng lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục nước thải, khí thải và truyền dữ liệu về Sở TN-MT để theo dõi. Bà Vũ Thị Lan-Giám đốc Công ty-cho hay: Trong thời gian hoạt động sản xuất mía đường, lượng nước của nhà máy thải ra khoảng 400-600 m3/ngày đêm, trong khi công suất trạm xử lý nước thải là 3.500 m3/ngày đêm. Lượng nước thải sau xử lý được tuần hoàn sử dụng lại để tiết kiệm chi phí cũng như tài nguyên nước. Do đó, việc quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục là cần thiết để kiểm soát tốt các chỉ tiêu trước khi đưa ra môi trường hay tái sử dụng. Qua một thời gian đưa vào hoạt động, các kết quả quan trắc khí thải, nước thải của Công ty đều đạt quy chuẩn cho phép.
Hiện nay, Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường Gia Lai cũng đã tiếp nhận và vận hành các trạm quan trắc khi thải, nước thải được đầu tư trên địa bàn. Ảnh: Nhật Hào
Hiện nay, Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường Gia Lai đã tiếp nhận và vận hành các trạm quan trắc khí thải, nước thải. Ảnh: Nhật Hào
Thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông cũng đã đầu tư xây dựng trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục để theo dõi các chỉ tiêu nước thải trước khi xả ra môi trường. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn-Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) cho hay: Trung bình, nhà máy chế biến mủ cao su xả thải ra môi trường khoảng 900 m3 nước/ngày đêm. Vì vậy, bên cạnh nâng cấp hệ thống xử lý nước thải từ cột B lên cột A, Công ty đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục để truyền dữ liệu về Sở TN-MT theo dõi. “Khi nước thải đã xử lý sang cột A sẽ đi qua trạm quan trắc để theo dõi các chỉ số trước khi xả ra môi trường. Sau một thời gian vận hành, trạm quan trắc đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp đơn vị theo dõi chất lượng nguồn nước trước khi xả thải”-ông Tuấn nói.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết thêm: Đến nay, 11 doanh nghiệp có nguồn thải lớn đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở TN-MT. Qua theo dõi, dữ liệu truyền về của các doanh nghiệp đều cho thấy thông số quan trắc nước thải, khí thải cơ bản đều đạt quy chuẩn cho phép. Ngoài 5 trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh, Sở TN-MT đang triển khai lắp đặt thêm 2 trạm tại suối Hội Phú (TP. Pleiku) và đập Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) để phục vụ công tác đánh giá hiện trạng và cảnh báo về môi trường. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, đôn đốc các doanh nghiệp có nguồn thải lớn đầu tư hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải để theo dõi, kiểm soát các nguồn xả thải, góp phần trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm