Thời sự - Bình luận

Nâng cao năng lực quản trị quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ, cho ý kiến về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, một trong những nội dung quan trọng là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối cung cầu, quản lý rủi ro cũng như giải pháp khơi thông các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; tăng cường năng lực quản trị quốc gia, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với bố trí nguồn lực và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tính toán, huy động và phân bổ các nguồn lực, điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang là điều mà mọi người quan tâm nhất hiện nay. Sau thời gian chống chọi với khó khăn do đại dịch gây ra, doanh nghiệp, người dân đang nỗ lực để “khỏe lại”. Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong suốt quãng thời gian khó khăn vừa qua, sự “vật lộn” của cả hệ thống chính trị, với vai trò chủ công của Chính phủ khi đồng hành cùng doanh nghiệp, đã mang lại những kết quả ngày càng tích cực, rõ nét. Nhưng, chúng ta cũng phải mổ xẻ, nhìn nhận hết những khó khăn, điểm cần tháo gỡ để có giải pháp phù hợp nhằm giúp quá trình phục hồi kinh tế thành công.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình thế khó khăn này là do yếu tố mang tính đột biến gây ra, do đó có tính tạm thời và chắc chắn nền kinh tế sẽ vượt qua được điểm ngoặt này. Dù vậy, chúng ta vẫn nên lưu ý đến khả năng kéo dài của dịch để tính đến sức khỏe của nền kinh tế, doanh nghiệp; cần tính đến một quá trình phục hồi dần dần và vững chắc. Với tính khó lường của dịch bệnh, tăng trưởng GDP năm 2021 được dự báo sẽ ở mức 3%-3,5%. Nhưng để đạt được mục tiêu này, một vấn đề quan trọng mà nhiều chuyên gia đặt ra là phải nâng cao năng lực quản trị quốc gia, nhất là việc kịp thời vận dụng một số chính sách và giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, thời gian tới, trong đó, mấu chốt là những giải pháp cơ bản bảo đảm cho nền kinh tế thị trường lưu thông thông suốt.

Có thể thấy, kết quả của việc chống dịch đang mang lại những kết quả tích cực, mang đến niềm tin vững chắc hơn cho người dân, doanh nghiệp. Dựa trên kết quả đó, Chính phủ đang khởi động lại quá trình mở cửa nền kinh tế. Và, trong quá trình đó, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, bảo đảm đó là một động lực phục hồi kinh tế mạnh mẽ và hiệu quả.

Đây là kênh “tiếp máu” cho cơ thể kinh tế, vốn đang suy yếu, một cách nhanh chóng và hiệu quả. Muốn vậy, cơ quan quản lý cần phải tháo gỡ ngay những vướng mắc trong một “rừng” thủ tục, quy trình của cơ chế “xin - cho” để giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới thực sự là một giải pháp quyết liệt, đúng tinh thần đột phá. Song song đó, việc tháo gỡ nhanh vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp cũng cần quyết liệt chứ không chỉ là việc bơm vốn.

Những tồn tại, hạn chế trong vận hành nền kinh tế do dịch Covid-19 như yếu kém trong liên kết vùng, sự “cát cứ” của một số địa phương trong phòng chống dịch…, dù sao cũng giúp chúng ta phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết, khắc phục nhằm nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Sự vận hành của kinh tế sẽ không thể thông suốt nếu vẫn tiếp tục sinh ra rào cản. Và đây cũng là cơ hội để chúng ta nhận diện, xóa bỏ những trở ngại để nền kinh tế phục hồi, phát triển trong bối cảnh phải thích ứng, an toàn với dịch.

Theo LÂM NGUYÊN (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm