Thời sự - Bình luận

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan thiết kế chương trình mục tiêu quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định trách nhiệm và chịu trách nhiệm luôn là câu chuyện được đề cập nhiều ở mỗi kỳ họp Quốc hội, nhất là khi đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, nghị quyết Quốc hội giao. Giải ngân vốn đầu tư công, vốn các chương trình mụ tiêu quốc gia (MTQG) chậm, trách nhiệm đầu tiên hiển nhiên là thuộc về Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương… Tuy nhiên, nếu không xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan thuộc Quốc hội trong vai trò thiết kế chương trình sẽ khó đòi hỏi đạt được các mục tiêu đề ra.

Báo cáo trước Quốc hội về kết quả sau 2 năm thực hiện 3 chương trình MTQG gồm: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được như hơn 6.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm, kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số đã có cải thiện thì tình trạng chung khi triển khai các chương trình này là việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách đều chậm so với kế hoạch. Điều đó dẫn đến kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hạn chế vẫn là việc phân bổ vốn trung ương chậm. Ảnh: Hà Duy

Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hạn chế vẫn là việc phân bổ vốn trung ương chậm. Ảnh: Hà Duy

Đến nay, nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững năm 2022 giải ngân mới đạt 35% kế hoạch. Vì vậy, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm chưa thực sự phản ánh đầy đủ các tác động của chương trình mà phần lớn là do tác động của các chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội, sự tự lực vươn lên của người dân và tác động của các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội khác của Nhà nước.

Với Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hạn chế vẫn là việc phân bổ vốn trung ương chậm. Đến tháng 6 năm nay, nguồn vốn giải ngân mới chỉ đạt khoảng 18% so với kế hoạch cả giai đoạn. Do đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân được cho là vì việc phân vốn, giao vốn chậm; phương thức phân bổ vốn chưa thống nhất, có chương trình giao tổng vốn, lại có chương trình giao chi tiết đến từng nội dung thành phần cụ thể, chưa tạo sự chủ động cho địa phương và khó khăn cho việc lồng ghép các nguồn lực, tích hợp chính sách; việc phân bổ ngân sách trung ương cho một số lĩnh vực chưa phù hợp.

Địa bàn triển khai 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 hầu hết là nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, là những nơi, những lĩnh vực rất cần nguồn lực nhà nước hỗ trợ. Phân bổ vốn chậm, giải ngân thấp, chương trình khó thực thi đồng nghĩa với nhiều người dân vùng nghèo, vùng khó khăn chưa được thụ hưởng chính sách ưu tiên phát triển của Nhà nước. Trách nhiệm này trước hết là ở Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương, tức là cơ quan tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, ý kiến của một đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thật có lý khi cho rằng: “Với những tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau khi giám sát thì Quốc hội không thể né tránh trách nhiệm trong vai trò thiết kế chương trình. Không xác định rõ trách nhiệm sẽ khó đề xuất các giải pháp, cơ chế đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG trong thời gian tới”.

Chương trình thiếu vốn, trong khi tiền nằm yên trong kho bạc là nghịch lý khiến công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số không được triển khai đến nơi đến chốn, chưa có hướng tạo sinh kế bền vững cho người dân, số hộ vừa thoát nghèo, nguy cơ tái nghèo cao.

Xóa nghèo không chỉ là làm cho mái nhà của dân không còn dột nát, làng bản có điện, có đường, có trường, có trạm y tế... mà quan trọng hơn là phải giúp họ biết cách tổ chức cuộc sống, biết làm cho đất đai sinh sôi; con heo, con gà mau lớn; đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa biết cách tự chăm sóc sức khỏe cho mình, ốm đau phải đến bệnh viện để chữa trị; biết từ bỏ những tập tục lạc hậu gây tốn kém thời gian, tiền bạc không cần thiết…

Ủy ban Dân tộc đang lạc quan trong nhiệm kỳ sẽ giải ngân hết 100% nguồn vốn của 3 chương trình MTQG. Thế nhưng, nếu không khắc phục ngay nhưng bất cập về thể chế, con người, về chính sách quản lý, tổ chức thực hiện; nếu không có cơ chế đặc thù thì khả năng hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 là rất khó khăn.

Có thể bạn quan tâm