Nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 1-8-2013, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 410/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2013, trong đó quy định thực hiện chi trả bình quân theo từng lưu vực sông chính gồm: sông Ba, sông Sê Rê Pốk và sông Sê San. Đối với lưu vực sông có mức chi trả cho hộ nhận khoán bảo vệ rừng dưới 200.000 đồng/ha thì sử dụng nguồn quỹ dự phòng của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để hỗ trợ cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng đạt mức 200.000 đồng/ha.

Công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thực hiện cho 2 loại dịch vụ điều tiết nguồn nước cho sản xuất thủy điện và nước sạch. Theo kế hoạch năm 2013 được phê duyệt, tổng số tiền DVMTR chi trả cho các cơ sở cung ứng dịch vụ là 60.699,30 triệu đồng (trong đó: 56.754,20 triệu đồng nguồn DVMTR và 3.945,10 triệu đồng từ nguồn dự phòng) cho 37 chủ rừng là tổ chức nhà nước; 108 xã thuộc 16 huyện, thị xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 7 chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn của 4 xã thuộc 3 huyện.

Ảnh: Đức Thụy

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm chủ rừng

Hệ sinh thái rừng đã và đang cung cấp các loại DVMTR, bao gồm: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững; bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản. Các loại DVMTR được coi là những điều kiện và sự tác động của nó thông qua hệ sinh thái tự nhiên của rừng phục vụ cho sản xuất và đời sống con người.

Người sử dụng DVMTR thực hiện trả tiền cho dịch vụ được hưởng từ bên cung ứng để duy trì các biện pháp quản lý tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp bền vững hơn mà nó cung cấp hệ sinh thái xác định. Trong quan hệ cung ứng và chi trả đối với DVMTR, đòi hỏi bên cung ứng DVMTR phải đảm bảo số lượng và chất lượng rừng cung ứng DVMTR. Số lượng và chất lượng cung ứng DVMTR phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ rừng-người trực tiếp quản lý bảo vệ rừng với vị trí có tính chất quyết định. Vì vậy, các chủ rừng không ngừng nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, đáp ứng ngày càng tốt hơn chất lượng cung ứng DVMTR, góp phần tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng và phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
 

 

Nắm vững quy định về quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng

Chủ rừng là tổ chức nhà nước phải bảo đảm thực hiện đủ các hồ sơ, thủ tục gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh gồm: bản cam kết quản lý bảo vệ rừng cung ứng DVMTR với Sở Nông nghiệp và PTNT; hợp đồng khoán và lập biểu thống kê danh sách các hộ nhận khoán bảo vệ rừng; lập biểu xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường; lập bản đồ ranh giới diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường tỷ lệ 1/25.000. Đây là những yêu cầu bắt buộc làm cơ sở để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để quản lý, kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình chi trả DVMTR toàn tỉnh báo cáo cho cấp có thẩm quyền theo quy định của chính sách.

Trên cơ sở số tiền DVMTR đã xác định tại Quyết định số 410/QĐ-UBND, căn cứ các quy định tại Thông tư liên tịch số 62/TTLT-BNNPTNT-BTC và hướng dẫn của UBND tỉnh tại Công văn số 1487/UBND-KTTH ngày 17-5-2013, các chủ rừng lập dự toán trình thẩm định, phê duyệt đúng theo quy định của tỉnh. Đây là cơ sở để chủ rừng triển khai thực hiện chi trả và thanh toán; đồng thời là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc kiểm tra, giám sát quá trình quản lý sử dụng tiền DVMTR của đơn vị chủ rừng. Kết thúc năm, các chủ rừng lập báo cáo quyết toán tiền chi trả DVMTR được tập hợp vào báo cáo quyết toán chung theo quy định về quản lý tài chính đối với loại hình của tổ chức đó để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; lập báo cáo thực hiện chi trả DVMTR của năm theo mẫu số 9a được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 62/TTLT-BNNPTNT-BTC gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.
 

 

Tổ chức không phải là chủ rừng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng hiện có trên địa bàn tỉnh là UBND các xã. Nhiệm vụ quản lý sử dụng tiền DVMTR trong năm 2013 đặt ra đối với UBND các xã phải có phương án quản lý bảo vệ rừng được UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở số tiền DVMTR được ghi trong kế hoạch thu, chi tiền DVMTR đã được UBND tỉnh phê duyệt của năm 2013, căn cứ phương án quản lý bảo vệ rừng; các xã lập dự toán sử dụng kinh phí theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng và quy định tại Điều 3 Thông tư số 85/2012/TT-BTC ngày 25-5-2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ thực hiện.

Kết thúc năm, UBND xã quyết toán tiền chi trả DVMTR được tổng hợp vào báo cáo quyết toán của tài chính xã trình cho cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, thẩm định theo quy định hiện hành về chế độ tài chính cấp xã. Đồng thời, UBND xã lập báo cáo thực hiện chi trả DVMTR theo mẫu biểu 9a ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 62 gửi bộ phận chi trả cấp xã và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Đối với 7 cộng đồng dân cư thôn phải có cam kết bảo vệ rừng với UBND xã; tiếp nhận tiền chi trả DVMTR sử dụng vào quản lý bảo vệ rừng theo các nội dung đã cam kết.

Tăng cường phối hợp giữa Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng với các chủ rừng

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nhận ủy thác chi trả tiền DVMTR từ bên sử dụng DVMTR cho các chủ rừng, có trách nhiệm lập kế hoạch chi trả hàng năm cho từng chủ rừng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Trên cơ sở Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiến hành tạm ứng và chuyển tiền chi trả cho từng chủ rừng theo quy định. Công tác rà soát, lập phương án quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã; tổ chức rà soát khôi phục quyền sử dụng rừng của 7 cộng đồng dân cư thôn sẽ được Sở Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng dẫn các UBND huyện hoàn thành trước ngày 30-8-2013 để thực hiện cấp phát, quản lý, thanh toán. Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng có trách nhiệm đôn đốc các cơ sở sử dụng DVMTR thực hiện hợp đồng ủy thác chi trả trong việc kê khai nộp tiền vào quỹ để kịp thời chi trả, bảo đảm kế hoạch chi trả được thực hiện đạt hiệu quả.
 

 

Bên cung ứng DVMTR có trách nhiệm thực hiện đầy đủ về nội dung, thủ tục hồ sơ quản lý và thời gian theo quy định; quản lý, sử dụng tiền chi trả đúng mục đích, đúng quy định của chính sách.

Mỗi bên tham gia trong mối quan hệ hệ chi trả-thanh toán tiền DVMTR cần đề cao tinh thần trách nhiệm phối hợp, tuân thủ nghiêm túc các quy định của chính sách chi trả, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các bên đều hoàn thành nhiệm vụ đặt ra góp phần cho chính sách chi trả DVMTR phát huy tác dụng thúc đẩy quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Trần Trưng

Có thể bạn quan tâm