Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh đã kiến nghị, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Trong 5 năm (2012-2017), Ban VSTBPN tỉnh đã thường xuyên kiểm tra tình hình xây dựng, thực hiện kế hoạch hành động về công tác bình đẳng giới và VSTBPN tại các địa phương, đơn vị. Tính riêng năm 2017, Ban VSTBPN tỉnh đã tổ chức 4 đoàn kiểm tra ở 13 đơn vị; các Ban VSTBPN cấp huyện cũng kiểm tra khoảng 50 đợt.

 

Quan tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Ảnh: Đ.Y

Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban VSTBPN tỉnh, cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, có trên 95% đơn vị thành lập, kiện toàn Ban VSTBPN và ban hành quy chế hoạt động. Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện theo đúng kế hoạch hành động về bình đẳng giới với 7 mục tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của cơ sở. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; bảo đảm bình đẳng giới trong công tác quy hoạch, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ cũng luôn được các địa phương, đơn vị quan tâm.

Về công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ, toàn tỉnh có 1 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 21 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; 99 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã, phường, thị trấn. Nữ đại biểu Quốc hội của tỉnh có 2 người, chiếm tỷ lệ 28,6%; nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 23 người, chiếm tỷ lệ 28,75%; cấp huyện là 167 người, chiếm tỷ lệ 27,56%; cấp xã là 1.595 người, chiếm tỷ lệ 26,65%; tỷ lệ nữ giữ chức vụ trưởng, phó phòng thuộc sở, ngành và cấp huyện chiếm 34,1%. Lao động nữ được tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, được phân công công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, phát huy sở trường, năng lực công tác để hoàn thành công việc. Nhờ đó, việc đảm bảo quyền bình đẳng, tiến bộ xã hội của phụ nữ trong gia đình và xã hội có những chuyển biến tích cực.

Ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Trưởng ban VSTBPN của Sở, cho biết: “Toàn ngành có 226 nữ cán bộ, công chức, người lao động trên tổng số 1.193 lao động. Số lao động nữ tham gia lãnh đạo cấp phòng giai đoạn 2015-2020 và quy hoạch giai đoạn 2020-2025 là 32/226 người, chiếm 14%. Công chức, người lao động là nữ được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong công tác cũng như học tập nâng cao trình độ chuyên môn”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động VSTBPN ở một số đơn vị vẫn còn những hạn chế, có Ban VSTBPN đã thành lập nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện VSTBPN chưa được thực hiện thường xuyên. Vì vậy, thời gian tới, bà Trần Thị Hoài Thanh cho rằng: Ban VSTBPN các cấp cần chủ động hơn trong việc tham mưu cho lãnh đạo triển khai chương trình thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức nữ. Quan tâm tạo nguồn phát triển đảng viên nữ, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, chính trị, quản lý nhà nước để chị em có điều kiện vươn lên. Hơn nữa, cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng Tháng Hành động về bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới ở tất cả các cơ quan, đơn vị nhằm tạo ra một chiến dịch truyền thông cao điểm trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thành viên Ban VSTBPN tỉnh: “Việc thường xuyên kiểm tra công tác bình đẳng giới, VSTBPN tại các sở, ngành, cơ quan, địa phương nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức của toàn xã hội với hoạt động bình đẳng giới, VSTBPN”.

Cũng theo bà Thanh, vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vẫn chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Theo đó, tỷ lệ phụ nữ được đào tạo trên đại học còn hạn chế; việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ hiện có, với cơ cấu dân số. Tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý còn thấp; tỷ lệ nữ tham gia các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm có sự chênh lệch so với nam giới. Do đó, Ban VSTBPN các cấp cần thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát bình đẳng giới và VSTBPN để có những đánh giá tình hình giải quyết việc làm, chính sách đào tạo nghề cho lao động nữ, bình đẳng giới giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm