Điểm đến Gia Lai

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đang tồn tại một nghịch lý, đó là du lịch càng phát triển thì môi trường càng bị ô nhiễm nặng nề. Tại Gia Lai, các loại hình được xác định là thế mạnh của du lịch địa phương đều gắn bó chặt chẽ, thậm chí phụ thuộc vào môi trường tự nhiên. Thực tế này đòi hỏi các địa phương phải hành động theo khẩu hiệu: “Phát triển du lịch nhưng không đánh đổi môi trường” song hành với bảo vệ môi trường.

Áp lực rác thải từ du lịch

Núi lửa Chư Đăng Ya là một điểm du lịch mới nổi thu hút một lượng lớn du khách từ khắp nơi đổ về. Tuy nhiên, lượng rác thải của người tham gia du lịch để lại khiến người dân phải than trời.

Ông Nguyễn Văn Thuận-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) cho biết: “Trước đây khu vực này chỉ có rác từ quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân, nhưng phần lớn là rác thải từ phế phẩm nông nghiệp nên nhanh chóng tiêu hủy trong đất. Còn rác thải từ du lịch lại là vấn đề cực kỳ nan giải bởi chủ yếu là túi ni lông, vỏ chai, hộp nhựa... Đây là những rác thải khó phân hủy, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên và cuộc sống của người dân.

Điều này khiến địa phương lúng túng vì lâu nay chưa có điểm tập kết và xử lý rác. Chúng tôi hy vọng tới đây khi Chư Đăng Ya trở thành điểm du lịch được quy hoạch và đầu tư, vấn đề rác thải sẽ được quan tâm xứng đáng, bởi một danh thắng tự nhiên cần được trả lại môi trường xanh, sạch, trong lành nhất”.

 Một buổi đi thực tế, học tập kinh nghiệm về bảo vệ môi trường tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku) của đội ngũ cán bộ, quản lý Phòng Văn hóa-Thông tin các huyện, thị xã, thành phố. Ảnh: H.N
Một buổi đi thực tế, học tập kinh nghiệm về bảo vệ môi trường tại Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku) của đội ngũ cán bộ, quản lý Phòng Văn hóa-Thông tin các huyện, thị xã, thành phố. Ảnh: H.N



Gia Lai đang hướng đến mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với kỳ vọng sẽ có sự đột phá mới, đồng nghĩa sẽ tạo ra áp lực cho môi trường, mà núi lửa Chư Đăng Ya là một điển hình.

Không chỉ Chư Đăng Ya, tại các điểm du lịch khác của tỉnh, hễ nơi nào có dấu chân du khách là có rác thải. Đặc biệt, loại hình du lịch sinh thái thường bị xem nhẹ về vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên do không gian trải rộng.

Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: “Công tác bảo vệ môi trường trong các lễ hội trên địa bàn tỉnh được chính quyền, Ban tổ chức quan tâm trong thời gian qua bằng việc thu gom, xử lý; bố trí nhà vệ sinh phục vụ du khách góp phần xây dựng nếp sống văn minh... Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại những hạn chế, nhất là trong các lễ hội có quy mô nhỏ, thời gian tổ chức ngắn”.

Theo ông Hoàng, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội còn chưa phát huy tác dụng nên nhận thức và hành vi của người tham gia còn nhiều hạn chế. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân lẫn du khách tham gia lễ hội chưa cao, đặc biệt là hành vi xả rác bừa bãi, vệ sinh không đúng nơi quy định.

Ngược lại, cần nói thêm là nhà vệ sinh phục vụ du khách tham gia lễ hội cũng không đủ đáp ứng nhu cầu khi đón lượng khách đông trong thời gian cao điểm…

Quan tâm bảo vệ môi trường

Giữ gìn môi trường xanh, sạch, trong lành sẽ giúp tôn tạo cảnh quan các điểm du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Giữ gìn môi trường xanh, sạch, trong lành sẽ giúp tôn tạo cảnh quan các điểm du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy



Nhận thức được vai trò của công tác bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai những giải pháp tích cực nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng, đặc biệt là đối với hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Vấn đề phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường được tỉnh ta đặc biệt quan tâm, nhất là ở các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội… vốn là những loại hình làm nên diện mạo du lịch tỉnh nhà.

Mới đây, một lớp tập huấn về bảo vệ môi trường do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Cán bộ Quản lý Văn hóa-Thể thao và Du lịch (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức đã góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường cho đội ngũ nhân lực làm du lịch, nhất là lãnh đạo các địa phương có điểm du lịch của tỉnh.

Nhiều vấn đề thiết thân giữa du lịch và môi trường đã được chỉ ra, nhất là những kinh nghiệm hay về công tác bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, di tích, lễ hội, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, cơ sở lưu trú…, giúp học viên có cái nhìn toàn diện về bức tranh du lịch và môi trường để làm cơ sở vận dụng.

Nguyên Bình
 

Có thể bạn quan tâm