Nâng cao ý thức phòng-chống sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, bệnh sốt xuất huyết hoành hành tại Gia Lai làm gần 4.400 người mắc ở 154/222 xã, phường, thị trấn thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố và đã có 1 người tử vong. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm cũng như cách phòng-chống căn bệnh nguy hiểm này.

Triệu chứng và cách xử trí sốt xuất huyết dengue

Theo bác sĩ Rơ Com Manh-Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra. Vi rút lây lan từ người bệnh sang người lành do muỗi truyền bệnh đốt máu và mầm bệnh xâm nhập qua vết đốt. Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) là trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Người bị muỗi đốt truyền vi rút sốt xuất huyết sau 7 đếnđ10 ngày thì phát bệnh.

 

Phun thuốc diệt muỗi. Ảnh: Quang Vũ
Phun thuốc diệt muỗi. Ảnh: Quang Vũ

Người bệnh sốt xuất huyết thường bất ngờ bị sốt cao liên tục trên 38,5 độ nhưng dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng, đi kèm các triệu chứng như đau đầu, nhức mỏi cơ, xương, khớp; cơn đau đầu trong hố mắt như búa bổ.

Nếu xuất hiện thêm các dấu hiệu cảnh báo như: sốt ly bì, nôn mửa, đau bụng kèm đi cầu lỏng, da nổi các chấm đỏ xung huyết, chảy máu mũi, chảy máu cam, tiểu ít, phụ nữ có thể bị rong kinh… thì cần nhập viện ngay nếu không dễ bị sốc, nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường thể trạng cho người bệnh. Tăng cường hạ nhiệt khi sốt cao trên 38,5 độ bằng cách để người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, nới rộng quần áo, lau người bằng nước ấm nhiều lần. Cho người bệnh uống nước ORS hoặc nước cam, nước cháo loãng, nước đường, nước dừa để cân bằng điện giải, chống sốc.

Chỉ truyền dịch khi thật sự cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ vì đã xảy ra một số trường hợp bị quá tải dịch truyền vào gây phù phổi, sốc do truyền nước rất nguy hiểm cho người bệnh.

 

Bác sĩ Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế cảnh báo: Từ đầu năm đến nay, vi rút gây sốt xuất huyết được ghi nhận thêm tuýp Dengue II, triệu chứng bệnh có diễn biến nặng hơn, do đó nguy cơ tử vong sẽ cao hơn, đồng thời một người có thể mắc 2 lần do 2 tuýp vi rút khác nhau, lần sau thường bị nặng hơn lần trước. Vì vậy, những tháng cuối năm 2016 nhận định bệnh sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt cao điểm từ tháng 8 đến tháng 10 số lượng bệnh nhân sẽ tăng mạnh nếu không can thiệp, xử lý quyết liệt.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, chúng có thể diễn biến khá nhanh từ thể nhẹ sang thể nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn là: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Các cơ sở y tế không nên chủ quan, cần phát hiện bệnh sớm và hiểu rõ về những vấn đề có liên quan đến diễn biến triệu chứng bệnh lý lâm sàng trong từng giai đoạn, kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng để giúp cho việc chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời nhằm cứu sống người bệnh.

Biện pháp phòng bệnh

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thường ở khu vực ít ánh sáng như: góc tủ quần áo, tủ chén bát, tủ bếp, gầm giường… Muỗi đốt người vào bất kỳ thời gian nào trong ngày nhưng chủ yếu là vào buổi sáng, trưa. Vì vậy để tránh bị muỗi đốt, người dân cần nằm ngủ trong màn, mặc quần áo dài tay và sáng màu.

Đặc trưng của loài muỗi vằn sinh sản trong môi trường nước sạch, chúng đẻ trứng thành các ổ lăng quăng (bọ gậy). Những ổ lăng quăng tập trung ở vật dụng chứa nước như: chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chai lọ bể, can nhựa, lốp xe hỏng chứa nước mưa vứt xung quanh nhà... Thậm chí, trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Để phòng-chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, chặt bỏ các bụi rậm, đổ nước đọng trong các chum vại và những vũng nước quanh nhà, thả cá vào bể nước để diệt lăng quăng... Diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống như dùng vợt bắt muỗi, bình xịt muỗi, nhang trừ muỗi… Khi làm việc, đi chơi ở các vùng có nhiều muỗi thì nên mặc quần áo dài, bôi thuốc diệt muỗi, nằm ngủ trong màn.

Đối với cán bộ y tế khi tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại ổ dịch và môi trường có nguy cơ cao thì tốt nhất phải phun diệt được 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm