Thời sự - Bình luận

Nâng chuẩn an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây, Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024. Theo số liệu thống kê được thông tin tại buổi lễ, từ tháng 1 - 10, cả nước xảy ra 19.711 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.061 người, bị thương 14.685.

Thiệt hại về con người quá lớn và chúng ta đều biết những mất mát đó còn có thể kéo theo nhiều hệ quả, như nạn nhân là lao động chính của một gia đình thì gánh nặng xã hội còn lớn hơn nữa.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), các cơ quan chức năng đã nỗ lực rất nhiều. Điển hình là sắp tới, ô tô cá nhân được yêu cầu phải có thiết bị an toàn khi chở trẻ em.

Bên cạnh việc "luật hóa" chính thức thì những biện pháp tuyên truyền, vận động cũng rất cần thiết. Như Thanh Niên đưa tin mới đây, CSGT TP.HCM vận động lắp camera quan sát "điểm mù" cho xe tải, xe container. Điều này là vô cùng cần thiết bởi thực tế xảy ra nhiều vụ TNGT do tài xế xe tải, xe container không thể kiểm soát các "điểm mù", dẫn đến hậu quả thương tâm.

Tất nhiên, với một số doanh nghiệp vận tải có nhiều xe thì việc lắp đặt đồng loạt hệ thống camera giám sát "điểm mù" là khoản đầu tư không nhỏ. Thế nhưng, khoản đầu tư như vậy sẽ chẳng là gì so với hậu quả mà chính doanh nghiệp có thể phải gánh chịu nếu xe tải, xe container của mình gây tai nạn. Cho nên, ngay cả khi pháp luật chưa quy định bắt buộc thì các doanh nghiệp vận tải cũng như tài xế trong khả năng của mình, cũng nên ý thức tăng cường các biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Mặt khác, trước thiệt hại quá lớn từ TNGT, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh lộ trình nâng cao tiêu chuẩn an toàn bắt buộc đối với phương tiện giao thông khi lưu hành. Thực tế, so với các nước thì những tiêu chuẩn an toàn này tại VN còn rất thấp. Từ năm 2012, Mỹ đã quy định ô tô mới bán ra phải được trang bị hệ thống cân bằng điện tử (ESP). Trước Mỹ, thì Úc và Canada đã đưa ra yêu cầu bắt buộc này. Còn sau Mỹ thì nhiều nước cũng đã áp dụng; trong đó, ở khu vực thì có Malaysia, Singapore.

Đó là với ô tô, còn xe máy thì tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia hoặc đã chính thức yêu cầu, hoặc công bố lộ trình bắt buộc xe máy (mức độ áp dụng tính theo dung tích xi lanh tùy vào mỗi quốc gia) phải được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS).

Nói thế để thấy tiêu chuẩn an toàn bắt buộc đối với phương tiện đã được nhiều nước, không chỉ các quốc gia phát triển, nâng lên rất cao. Trong khi đó, nếu không trở thành yêu cầu bắt buộc thì các nhà sản xuất xe sẽ xem đây là "option" (chọn lựa) và bắt khách hàng phải tốn nhiều tiền hơn để trang bị. Ở VN, nhiều chiếc xe mới được bán ra vẫn còn thiếu các yêu cầu cơ bản mà nhiều nước đã áp dụng. Cho nên, chẳng hề quá lời khi nói người tiêu dùng VN mua xe máy hay ô tô đang bị thiệt thòi hơn so với ở nhiều quốc gia khác. Thực tế cũng cho thấy giá xe ở các nước gần như không thay đổi đáng kể khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn như trên.

Tất nhiên, tính năng an toàn trên xe cũng không phải là "cây đũa thần" để triệt tiêu hoàn toàn TNGT vì còn tùy thuộc ý thức, kỹ năng và kinh nghiệm của người điều khiển, nhưng nó đem đến sự hỗ trợ để tăng tính an toàn là điều không có gì để tranh cãi. Vì thế, VN cần sớm bổ sung các tiêu chuẩn bắt buộc để tăng cường tính an toàn cho xe.

Theo Hoàng Đình (TNO)

Có thể bạn quan tâm