Nâng chuẩn giáo viên Tiểu học: Cần thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đầu năm 2018, số giáo viên Tiểu học cả nước là 396.203 người, trong đó số giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm là 36.530 người, trình độ cao đẳng sư phạm 123.226 người, còn lại có trình độ đại học và trên đại học. Theo tờ trình của Bộ GD-ĐT ngày 12-3-2018 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục: “Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên Tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng là tất yếu và mới là bước đầu, vì bước tiếp theo, chuẩn trình độ đào tạo sẽ phải là trình độ đại học trở lên theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW”.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, Bộ GD-ĐT đã có bước đột phá trong việc nâng chuẩn trình độ giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục một cách cơ bản và toàn diện. Để công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn trình độ không diễn ra một cách tùy tiện và ồ ạt như cách đào tạo tại chức trong những năm qua, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng lộ trình cụ thể, khả thi trong những năm đến. Trước mắt, Bộ đề nghị các địa phương có chủ trương không tuyển mới giáo viên Tiểu học có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm và có kế hoạch để bồi dưỡng số giáo viên hiện nay vươn lên đạt chuẩn.

Đây là một bài toán không dễ, bởi trên thực tế hiện còn hơn 40% giáo viên Tiểu học cả nước có trình độ trung cấp và cao đẳng sư phạm; tỷ lệ này ở các vùng miền khó khăn như miền núi, hải đảo có thể lên đến trên 50%. Đồng thời, nhiều địa phương còn duy trì loại hình trường Cao đẳng Sư phạm, đào tạo giáo viên từ Mầm non, Tiểu học đến THCS. Mặt khác, trong đề xuất lộ trình bồi dưỡng giáo viên Tiểu học với hình thức “cuốn chiếu”, Bộ giao cho các trường Đại học Sư phạm kết hợp với địa phương tiến hành bồi dưỡng hàng năm vào các kỳ nghỉ hè để nâng trình độ chuẩn đại học, kết hợp với bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới. Điều này mới nghe qua thì hợp lý nhưng đi vào thực tế thì sẽ không mấy khả thi. Bởi nhiều năm qua, cách đào tạo tại chức cho giáo viên nâng cao trình độ của các địa phương chủ yếu là hợp lý hóa bằng cấp, còn thực chất trình độ, kiến thức của người học không được nâng lên bao nhiêu. Nếu việc nâng chuẩn cho giáo viên Tiểu học chạy theo thành tích như các hình thức đào tạo, bồi dưỡng trên thì không mang lại hiệu quả đích thực mà còn gây lãng phí công sức và tiền bạc.

Thiết nghĩ, nếu Bộ GD-ĐT muốn đạt mục tiêu nâng chuẩn trình độ giáo viên Tiểu học một cách thực chất thì phải có kế hoạch sát sao từ bây giờ; đồng thời giao nhiệm vụ để các trường Đại học Sư phạm có lộ trình và soạn thảo chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng này một cách chu đáo, hữu hiệu, đạt chuẩn. Bên cạnh đó, Bộ cùng với các địa phương rà soát số giáo viên Tiểu học đang giảng dạy, tiến hành phân loại theo năng lực, thời gian công tác để đưa vào diện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng hay bố trí công việc khác. Từ đó sẽ có kế hoạch cho đi đào tạo hàng năm một cách nghiêm túc, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm