(GLO)- Việc nâng hạn mức cho vay tín chấp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho thấy nhu cầu và quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, hộ gia đình đang từng bước mở rộng, phát triển.
Nhằm đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ngày 7-9-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định số 116/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25-10-2018 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện chính sách tín dụng trong lĩnh vực tam nông cũng như tạo sức bật mới nhằm khai thông dòng vốn cho cả khách hàng và ngân hàng.
Một thay đổi đáng chú ý của Nghị định số 116/2018/NĐ-CP là nâng hạn mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng lên gấp hai lần mức cho vay cũ để phù hợp với yêu cầu thực tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện nay. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được nâng từ mức vay 50 triệu đồng trước đây lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được nâng từ mức vay tối đa 100 triệu đồng trước đây lên 200 triệu đồng.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro. Ảnh: S.C |
Dưới góc độ khách hàng, khi đón nhận thông tin này, ông Nguyễn Tiến Lý (thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro) phấn khởi cho biết: “Với mức cho vay hạn hẹp như trước, nhiều khi bà con muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cũng phải đắn đo cân nhắc, tính toán vòng quay nguồn thu, nguồn trả nợ. Việc nâng hạn mức cho vay là phù hợp với nguyện vọng của nông dân cũng như tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn”. Còn ở góc độ của nhà đầu tư, ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai-nhìn nhận: “Việc tăng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo cho cá nhân, hộ gia đình đồng nghĩa quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng ngày càng được mở rộng, phát triển. Sự điều chỉnh này phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng mà không phải làm hồ sơ thế chấp tài sản”. Cũng theo ông Thu, hiện nay, Agribank Đông Gia Lai đã triển khai cấp hạn mức tín dụng dưới 200 triệu đồng cho 85% số hộ vay. Đây cũng là phương thức chuyển tải vốn khá hiệu quả khi giải quyết căn bản các nhu cầu phát triển sản xuất, đời sống, tiêu dùng của nông dân. Trong thời gian tới, để ngân hàng có thể kiểm soát chất lượng tín dụng khi cho vay tối đa 200 triệu đồng không có thế chấp tài sản đảm bảo, một yêu cầu tiên quyết là khách hàng phải có mối quan hệ uy tín hoặc lịch sử giao dịch sòng phẳng trước đó. Đồng thời, Agribank Đông Gia Lai sẽ đẩy mạnh triển khai cho vay qua tổ với mục tiêu phát triển mạng lưới tổ vay 700-1.000 tổ.
Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đã bổ sung chính sách hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là chính sách khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, bổ sung cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bổ sung doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án.
Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho rằng: “Đây sẽ là tác nhân tích cực đến các ngân hàng trong việc triển khai cho vay lĩnh vực này khi đã mở ra cơ chế cho vay, thúc đẩy hoạt động đầu tư tín dụng ở mảng nông nghiệp vốn nhiều tiềm năng”. Về phía ngân hàng đã gỡ được “nút thắt” pháp lý, được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng. Hiện nay, riêng dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh đạt 299 tỷ đồng, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 34.340 tỷ đồng/99.105 khách hàng còn dư nợ, chiếm gần 42% tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh.
Một điều khoản bổ sung đáng chú ý nữa trong Nghị định số 116/2018/NĐ-CP là quy định về ân hạn. Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời gian ân hạn gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm. Về điểm này, theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn đối với chương trình cho vay tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh hiện nay khi các tổ chức tín dụng đều được cho vay tái canh, cho vay đối với các loại cây trồng lâu năm. Được biết, hiện nay, chương trình cho vay tái canh cà phê mới chỉ đạt dư nợ 29,5 tỷ đồng/132 khách hàng, trong đó có 2 khách hàng doanh nghiệp.
Sơn Ca