Điểm đến Gia Lai

"Nàng lọ lem của núi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là cái tên hết sức đáng yêu mà mọi người vẫn dành cho dã quỳ, loài hoa không ai chăm bón, vun trồng nhưng đang làm nên cái hồn của mảnh đất Gia Lai trong những ngày đầu đông.

Nhắc đến loài hoa ấy, nhiều người vẫn quen gọi với tên “cúc quỳ” bằng tất cả những hoài niệm về ngày đất nước còn nghèo khó, người dân chỉ biết đốn cả bụi về trồng làm hàng rào hoặc vùi trong đất để đánh luống trồng khoai. Gần gũi hơn nữa là cảnh đun nước với thứ lá dân dã ấy mà tắm cho con trẻ những ngày bị chốc lở. Đúng là hồi ấy, dã quỳ chưa “nên thơ” như bây giờ, chỉ lẳng lặng sống, mọc nhiều lắm và hoang dại lắm, chẳng được mấy người quan tâm.

Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet

Khi cuộc sống khấm khá thêm một chút, người ta có nhiều lý do để nghĩ về bông cúc quỳ của ngày xưa. Thực ra, vì con người đã từng quên chứ dã quỳ chưa bao giờ là cũ. Chúng vẫn ở đó, nở vàng những mùa đợi chờ. Tháng mười một đang hối hả trôi qua trong cái rạo rực của lòng du khách gần xa khi tìm về với đại ngàn, nơi hoa quỳ đang hừng hực đốt vàng đỉnh núi. Có phải bởi lòng người xôn xao đã đánh thức nét ngoan hiền của cánh hoa “lọ lem” ngỡ như suốt đời không lên tiếng. Hay chính nét hồn nhiên hoa cỏ đã đánh thức trong lòng người những dư vị của khao khát lẫn đam mê.

Xứ sở cao nguyên không thiếu những loài hoa quý. Dã quỳ suy cho cùng cũng chỉ là loài hoa dại. Nhưng sao cái màu vàng kỳ lạ của chúng luôn khiến cho người ta ngẩn ngơ rồi đem lòng thương nhớ. Tự nhủ rằng liệu có màu vàng nào kiêu hãnh hơn màu vàng của từng cánh hoa quỳ chấp chới phơi mình giữa đỉnh núi ngút ngàn mây gió. Hoa dã quỳ tất nhiên không phải là món quà mà thiên nhiên dành riêng cho Gia Lai, nhưng với ai xa quá lâu thì cái màu vàng rực rỡ ấy vẫn là màu của quê nhà. Có bao người đương ngóng về phía đồi hoa chập chùng để rồi canh cánh bên lòng nỗi nhớ cao nguyên.

Tưởng tượng một sớm thức giấc, vòng tay co ro trong cái se lạnh của miền cao, đứng ở đầu dốc mù sương ngắm nhìn những vạt hoa quỳ vời vợi ru mình theo gió, tung cho kỳ hết cái mãnh liệt ra với đại ngàn mênh mông. Lòng ai không  rưng rưng. Chợt nhớ đến câu hát: “Em đẹp thế Pleiku ơi/trái tim tôi muốn vỡ tan rồi” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, thấy trong muôn vàn những lý do mà lữ khách dành tình yêu cho Phố núi, chắc chắn có vẻ đẹp thanh thoát, khoáng đạt của dã quỳ-”nàng lọ lem” của núi rừng hoang dã.

Một mùa khô cao nguyên lại về. Bông dã quỳ chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi nhưng có hề gì khi hoa đã từng nở căng tràn. Chúng ta lại thêm yêu Pleiku, lại thao thức đợi chờ một mùa hoa mới.

Lữ Hồng

 

Có thể bạn quan tâm